VNReport»Kinh tế»Tài chính»Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại

09:42 - 16/09/2021

Bán lẻ và bất động sản đang yếu đi trong bối cảnh đợt bùng phát Covid-19 mới và việc thắt chặt quy định của chính phủ.

Mức tăng trưởng một loạt các chỉ số kinh tế của Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 8. Lý do là đợt bùng phát mới của biến thể Delta và những quy định chặt chẽ hơn của chính phủ đối với thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và lĩnh vực nhà ở.

Doanh số bán lẻ, một thước đo chính về tiêu dùng của Trung Quốc, chỉ tăng 2,5% trong tháng 8 so với một năm trước đó, giảm mạnh so với mức tăng 8,5% so với cùng kỳ của tháng 7, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Tư. Kết quả này đánh dấu tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 1 năm và thấp hơn nhiều mức dự báo 6,3% của các nhà kinh tế ​​được Wall Street Journal thăm dò.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 2,5% trong tháng 8, mức thấp nhất trong 1 năm.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 2,5% trong tháng 8, mức thấp nhất trong 1 năm.

Dữ liệu riêng biệt do cơ quan thống kê công bố hôm thứ Tư cho thấy doanh số bán nhà theo giá trị đã giảm 19,7% trong tháng 8 so với một năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020 –cao điểm của đại dịch. Giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 8 chỉ cao hơn 0,16% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất trong năm nay.

Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản trong 8 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại so với mức tăng 12,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7. Lượng khởi công xây dựng, tính theo diện tích sàn, đã giảm 3,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, tăng tốc từ mức giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng đầu năm.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc từ lâu đã trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng của đất nước, bất chấp việc định hướng lại nền kinh tế theo hướng ưu tiên tiêu dùng nội địa. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng nền kinh tế đang nghiêng quá mức về tăng trưởng từ cơ sở hạ tầng và xuất khẩu.

Sự yếu kém trong 2 lĩnh vực trên nhiều khả năng làm tăng thêm lo ngại về quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đặt ra câu hỏi về việc liệu nhà chức trách có can thiệp để hỗ trợ tăng trưởng hay không. Trong khi Trung Quốc vẫn đang trên đường tiến tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ít nhất là 6% (tăng trưởng GDP nửa đầu năm là 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái), sự suy thoái hơn nữa trong 2 lĩnh vực trên có thể thay đổi tính toán của Bắc Kinh.

Đặc biệt, sự yếu kém trong chi tiêu bán lẻ xuất hiện khi Trung Quốc phải đối phó với một đợt bùng phát biến thể Delta của Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 7 và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Đợt dịch đó khiến việc di chuyển của người dân bị hạn chế.

Đó là lý do các dịch vụ đòi hỏi sự tiếp xúc gần giữa con người với con người, chẳng hạn như nhà hàng và du lịch, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan thống kê cho biết doanh số lĩnh vực ăn uống của Trung Quốc đã giảm 4,5% trong tháng 8 so với một năm trước đó, giảm mạnh so với mức tăng 14,3% của tháng 7.

Mặc dù đợt bùng phát bắt đầu vào cuối tháng 7 hầu hết đã được kiểm soát, nhưng trong tuần qua, lại xuất hiện một làn sóng lây nhiễm mới ở miền đông nam Trung Quốc, với hơn 100 ca nhiễm có triệu chứng trong 4 ngày gần đây. Điều này cho thấy thiệt hại do chiến lược “không Covid” của Trung Quốc gây ra đối với lĩnh vực bán lẻ có thể sẽ không sớm giảm bớt.

Tiêu dùng là mắt xích yếu nhất trong quá trình phục hồi từ đại dịch của Trung Quốc, bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng thu nhập trì trệ và các biện pháp nghiêm ngặt của chính phủ chống Covid-19.

Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với lĩnh vực bán lẻ là thời điểm xảy ra làn sóng dịch mới nhất. Đợt bùng phát này diễn ra chỉ vài ngày trước 2 kỳ nghỉ lễ dài ngày – Tết Trung thu và Quốc khánh – thường là thời điểm bùng nổ du lịch và chi tiêu.

“Chúng tôi cho rằng chiến lược không Covid của Trung Quốc có thể ngày càng tốn kém cho nền kinh tế Trung Quốc,” nhà kinh tế Ting Lu của tập đoàn tài chính Nomura viết trong một lưu ý cho khách hàng vào cuối ngày thứ Ba.

Doanh số bán nhà của Trung Quốc giảm 19,7% trong tháng 8.

Doanh số bán nhà của Trung Quốc giảm 19,7% trong tháng 8.

Với lĩnh vực bất động sản, những chiến dịch gần đây nhằm loại bỏ việc gắn cơ hội giáo dục khỏi quyền sở hữu nhà và kiềm chế khả năng vay vốn của các nhà phát triển bất động sản đã làm tâm lý thị trường thêm tiêu cực. Thậm chí, một số nhà phát triển nổi tiếng đang đi đến bờ vực vỡ nợ – đứng đầu trong số đó là Tập đoàn China Evergrande.

Sự yếu kém trong doanh số bán lẻ và lĩnh vực bất động sản làm tăng thêm sự mờ nhạt của triển vọng kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu của tháng 7 đã cho thấy sự yếu kém toàn diện, khiến các nhà kinh tế vào thời điểm đó phải cắt giảm dự báo về tăng trưởng của Trung Quốc.

Những sóng gió mới nhất, bao gồm khả năng bùng phát thêm Covid-19 và các quy định nhắm vào khu vực tư nhân, được cho là sẽ ảnh hưởng đến tâm lý.

Các chỉ số khác được Bắc Kinh công bố hôm thứ Tư không giúp giải tỏa lo lắng cho nền kinh tế nói chung.

Sản lượng công nghiệp tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8, đánh dấu sự giảm tốc so với mức tăng 6,4% của tháng 7 và không đạt so với mức dự báo tăng trưởng 5,6% của các nhà kinh tế được khảo sát. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn 1 năm.

Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định đã tăng 8,9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, so với tốc độ 10,3% được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm. Các nhà kinh tế kỳ vọng con số này sẽ tăng 8,8%.

Cơ quan thống kê cho biết tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát của Trung Quốc không thay đổi ở mức 5,1% vào tháng 8.

1 bình luận
    Bình luận của bạn