VNReport»Kinh tế»Tài chính»Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng hơn 30%

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng hơn 30%

11:29 - 28/09/2021

Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt đạt 572,3 triệu USD trong 9 tháng đầu năm.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 572,3 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó, hơn 150,1 triệu USD, tương đương 55,9% tổng vốn đầu tư, được rót vào 41 dự án mới và hơn 422,1 triệu USD được bổ sung vào 15 dự án hiện có, gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Vingroup dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD ở Mỹ cho mảng ô tô.

Vingroup dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD ở Mỹ cho mảng ô tô.

Khoản đầu tư điều chỉnh tăng mạnh là do Vingroup bổ sung 300 triệu USD vào dự án ô tô Vinfast của mình tại Mỹ, 76 triệu USD thuộc về dự án của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương tại Campuchia và 32 triệu USD cho dự án của Vinfast tại Đức.

So với 8 tháng, số dự án được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới chỉ tăng thêm 1 dự án, trong khi tổng vốn đầu tư ra nước ngoài giảm 2,7 triệu USD. Lý do là dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Điện lạnh điện máy Việt Úc, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm điện gia dụng và đồ dùng gia đình tại Myanmar, điều chỉnh giảm vốn đầu tư 3,99 triệu USD.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã rót tiền vào 13 lĩnh vực. Trong đó, ngành khoa học và công nghệ dẫn đầu với 47,3% tổng vốn đầu tư, đạt 270,8 triệu USD. Đứng thứ 2 là ngành bán buôn và bán lẻ với 148,1 triệu USD, chiếm 25,9%. Tiếp theo là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, …

Mỹ là điểm đến hàng đầu của dòng vốn Việt Nam trong giai đoạn này với 302,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 52,9%. Đứng thứ 2 là Campuchia với 89,4 triệu USD, tiếp theo là Lào và Canada với lần lượt 47,8 triệu USD và gần 32,1 triệu USD. Tổng cộng đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam

Tính đến ngày 20/9, Việt Nam có 1.429 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn hơn 21,8 tỷ USD. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chính là khai khoáng (chiếm 36,3%) và nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Xét theo địa bàn, Lào (23,8%), Campuchia (13,1%) và Nga (12,9%) nhận đầu tư nhiều nhất từ Việt Nam.