VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Đề xuất sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải lập văn phòng đại diện

Đề xuất sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải lập văn phòng đại diện

09:40 - 20/01/2025

Việc mua sắm trực tuyến các sản phẩm từ nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch.

Hiện nay, theo quy định hiện hành, các sàn bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, trong năm 2024, vẫn có một số số sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein… chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam. Đáng nói là dù chưa đăng ký hoạt động nhưng các sàn TMĐT này vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Vì vậy, tại dự thảo Luật, Bộ Công Thương yêu cầu thương nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Quy định trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.

Bên cạnh đó, hàng hóa nước ngoài được bán, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa, dịch vụ của thị trường Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật của Bộ Công thương là hợp lý.

Hiện nay, có quá nhiều nền tảng TMĐT chưa định danh và xác thực điện tử. Tình trạng này dẫn đến việc cơ quan quản lý khó kiểm soát thông tin người bán hàng một cách chính xác. Nhất là các người bán ở nước ngoài.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch.

Hơn nữa, việc các nền tảng TMĐT chưa định danh và xác thực điện tử cũng dẫn đến cơ quan quản lý không nắm được hoạt động trên các nền tảng, không biết một người bán đang hoạt động trên bao nhiêu nền tảng. Nếu xảy ra tình trạng vi phạm, dẫn tới khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm bởi không có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán.

Những lỗ hổng này khiến công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch TMĐT trở nên phức tạp. Mặt khác, nền tảng TMĐT cũng có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận, trốn thuế vì không được giám sát toàn diện.

Về phía người tiêu dùng, họ cũng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn TMĐT vì không có thông tin về người bán rõ ràng và minh bạch. Điều này sẽ làm giảm độ tin cậy của nền tảng TMĐT.

Thực tế, trước đó, nghị định 85 đã đưa ra những quy định cơ bản về điều kiện áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, nhưng các quy định này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả. Chưa kể đến, các quy định pháp lý này còn khá “nhẹ nhàng” so với các quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh.

Nắm bắt được tình trạng này, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh việc cần thiết tăng cường quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Trong dự thảo luật đã đưa ra thêm các biện pháp quản lý, trong đó quy định rõ về các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Đặc biệt nhấn mạnh đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Theo đó, hoạt động TMĐT xuyên biến giới phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời phải có trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm trên nền tảng.

Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng.  Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỉ USD năm 2014 đến 20,5 tỉ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn. Mức tăng trưởng này đã đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.

Chúng ta chính là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, cần có những quy định quản lý chặt chẽ để tạo ra môi trường lành mạnh. Đồng thời tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình hiệu quả.

https://nld.com.vn/de-xuat-san-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-phai-lap-van-phong-dai-dien-196250119155331567.htm