VNReport»Top»10 mảng kinh doanh không thành của Vingroup

10 mảng kinh doanh không thành của Vingroup

11:59 - 12/05/2021

Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng phải cơ cấu lại nhiều mảng kinh doanh bao gồm bán lẻ, hàng không, tài chính.

1. Bán Technocom cho Nestle

Technocom là doanh nghiệp về thực phẩm thành lập năm 1993 bởi ông Vượng và 7 người khác tại Ukraina. Từ những năm 2000, công ty này bắt đầu đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2010, ông Vượng bán Technocom cho Tập đoàn Nestlé của Thụy Sĩ với giá không được tiết lộ. Theo ông Vượng, thị phần của công ty trong mảng mì ăn liền vào thời điểm đó khoảng trên 90%, bột canh quanh 80%, được giữ vững trong 7 năm liền.

2. Tập đoàn tài chính Vincom

Vào khoảng năm 2008, ông Vượng từng muốn thâm nhập thị trường tài chính với công ty có tên Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG), định hướng phát triển trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, quản lý quỹ và chứng khoán.

Trong thời gian trước đó, thị trường tài chính Việt Nam bùng nổ, chứng khoán phát triển mạnh, trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn chưa khởi sắc. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2007 – 2008, cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ lan rộng và dần ảnh hưởng đến Việt Nam.

Mặc dù đã sẵn sàng cho việc thành lập Tập đoàn Tài chính Vincom nhưng trước những rủi ro của thị trường, ban lãnh đạo Vincom đã đi đến quyết định dừng mọi hoạt động của công ty.

3. Chuyển nhượng tòa tháp biểu tượng Vincom Hà Nội

Vincom Center Hanoi/Vincom City Towers là một trong những trung tâm thương mại và văn phòng cao cấp đầu tiên tại Hà Nội. Vincom Center Hà Nội gồm 3 tòa tháp: tháp A, B và C. Trong đó, tháp A và B là nơi bố trí văn phòng của Vingroup.

Năm 2006, ông Vượng đã bán lại tháp A Vincom Tower tại 191 Bà Triệu cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cuối năm 2011, ông bán tháp B Vincom cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và chuyển trụ sở của Vingroup và các đơn vị thành viên tại Hà Nội về khu đô thị sinh thái Vincom Village, quận Long Biên, Hà Nội.

4. Bán toàn bộ mảng logistic cho công ty Nhật Bản

Tháng 12/2016, Vingroup đã bán toàn bộ 79,96% cổ phần tại công ty logistics Phát Lộc Express, tiền thân là thương hiệu Vinlinks.

Trước đó, Vingroup đã ký thỏa thuận ghi nhớ với SG Holdings – công ty mẹ của hãng vận tải Nhật Bản Sagawa Express. Giá trị của thương vụ là 9 triệu USD, theo tờ Nikkei. “Thoả thuận hợp tác với Vingroup nhắm tới việc giải quyết những vấn đề về hậu cần trong bối cảnh các doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển mạnh mẽ”.

5. Bán chuỗi siêu thị VinMart cho Masan

Tháng 12/2019, Vingroup và Tập đoàn Masan thông báo đã thống nhất về nguyên tắc việc hoán đổi cổ phần của Công ty VinCommerce – nắm giữ chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ – và Công ty VinEco.

Theo thỏa thuận, các Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce thuộc Tập đoàn Vingroup (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp) và Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ hợp nhất.

Sau thương vụ này, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup cho biết: “Với việc thay đổi chiến lược mới, Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart”.

Ngày 1/4/2021, siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ thuộc công ty VinCommerce và công ty VinEco sẽ được đổi tên bằng cách thay chữ cái đầu V thành W – Winmart sau hơn một năm chuyển nhượng cho Masan.

6. Ngừng hoạt động trang thương mại điện tử Adayroi

Ngày 18/12/2019, Tập đoàn Vingroup cho biết trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID. Lý do dừng Adayroi là để “đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của Công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới”.

Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8/2014, nhưng không thành công trong việc cạnh tranh với các trang thương mại điện tử khác như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, …

7. Đóng cửa chuỗi siêu thị điện máy VinPro

Hệ thống siêu thị điện máy VinPro ra mắt vào tháng 3/2015, nhằm mục đích hoàn thiện khối bán lẻ của Vingroup. Tháng 11/2018, Vingroup mua lại chuỗi cửa hàng Viễn Thông A và sát nhập vào VinPro, nâng tổng số cửa hàng của chuỗi này trên toàn quốc lên 242.

Tuy nhiên, với việc thay đổi chiến lược kinh doanh, rút lui khỏi mảng bán lẻ, VinPro đã bị giải thể trong tháng 12/2019.

8. Rút khỏi lĩnh vực hàng không khi Vinpearl Air chưa cất cánh

Giữa tháng 7/2019, Vingroup khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không với việc thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air với tổng vốn đầu tư lên đến 4.700 tỷ đồng.

Mạng đường bay của Vinpearl Air gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Công ty đặt ra các mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác các đường bay đến mở trường đào tạo phi công.

Tuy nhiên, ngày 14/1/2020, Vingroup bất ngờ chính thức thông báo rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không để tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp.

Việc rút khỏi ngành hàng không dường như là một quyết định khôn ngoan của Vingroup khi các hãng bay đang chịu thiệt hại nặng nề trong hơn 1 năm qua do đại dịch COVID-19.

9. Hủy cuộc đua F1 tại Hà Nội

Vào đầu năm 2019, Vingroup thông báo sẽ là đơn vị độc quyền tổ chức giải đua F1 đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020. Qua sự kiện này, Vingroup muốn quảng bá thương hiệu VinFast tới công chúng quốc tế.

Tuy nhiên, do tác động của đai dịch, chặng đua này đã bị hủy. Việt Nam cũng không có tên trong lịch các chặng đua F1 mùa giải 2021. Giải đua F1 đã ngỏ ý muốn quay trở lại Việt Nam nhưng hiện chưa rõ điều này có trở thành sự thật hay không.

10. Ngừng sản xuất TV và smartphone

Tuần trước, Vingroup tuyên bố công ty con VinSmart sẽ dừng phát triển TV và smartphone. CEO của Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết việc sản xuất TV và smartphone “đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng” và tập đoàn sẽ chuyển sang dồn nguồn lực cho hãng ô tô VinFast.

VinSmart ra đời vào tháng 6/2018. Đến 2021, VinSmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV mang thương hiệu Vsmart và nằm trong top 3 thị phần smartphone Việt Nam.