VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp kiệt quệ vì “gánh” chi phí xét nghiệm Covid-19

Doanh nghiệp kiệt quệ vì “gánh” chi phí xét nghiệm Covid-19

09:37 - 27/09/2021

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn tại các địa phương giãn cách xã hội đang gặp khó trong việc tái sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh do chi phí xét nghiệm Covid-19 quá lớn. 

Trong lĩnh vực vận tải, chi phí test Covid-19 cho lái xe chở hàng đang là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Với khoảng 200.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong 72 giờ, phí xét nghiệm cho một lái xe mất khoảng 2 triệu đồng/tháng, lớn hơn mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu xét nghiệm “mỗi nơi một khác” cũng đang làm khó các doanh nghiệp vận tải. Đơn cử như việc yêu cầu lái xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) giao nhận hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc phải xét nghiệm 3 lần (2 lần PCR, 1 lần test nhanh) gần đây là một ví dụ. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics, doanh nghiệp đã rất khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải xét nghiệm quá nhiều lần khi muốn xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

Chi phí xét nghiệm Covid-19 đang là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp

Cùng với doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất cũng đau đầu vì chi phí xét nghiệm không kém. Với những doanh nghiệp có quy mô hàng nghìn công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” thì việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần với 20% tổng số lao động thì doanh nghiệp phải chi trả hàng tỷ đồng mỗi tháng riêng cho chi phí xét nghiệm, chưa kể việc bị động về thời gian và việc tập hợp hàng trăm lao động lấy mẫu không phải là dễ.

Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ước tính xét nghiệm chiếm 70 – 80% chi phí phòng dịch của một doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn, trong khi chi phí một lần tiêm vaccine ít hơn.

Chi phí test SARS-CoV-2 rất cao như hiện nay cũng đang dẫn đến hai luồng ý kiến trong cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất là mong muốn Nhà nước hỗ trợ chi phí cho việc xét nghiệm. Nguồn hỗ trợ này có thể trích từ quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thứ hai, nếu nhà nước không thể hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí thì cần cho phép hệ thống hạch toán tính chi phí này vào giá thành sản phẩm. Thực tế, hiện nay chi phí test chiếm khoảng 15% chi phí cho người lao động, đẩy giá nhân công thêm 15%.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây Nghị quyết số 105/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Y tế ban hành Văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm. Nếu quy định này được thực hiện thì sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Chính sách này được cho là có ý nghĩa với doanh nghiệp không kém bất kỳ một gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay.

Trên thực tế, Bắc Giang đã hướng dẫn cho công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả xét nghiệm. Tương tự, TP HCM cũng đã để người dân tự xét nghiệm và sử dụng kết quả cho công tác phòng chống dịch bệnh. Với những kinh nghiệm đã có, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết 105/NQ-CP.

Mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp cũng đã kiến nghị đưa kit test nhanh vào diện được trợ giá và bình ổn giá. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định, việc trao quyền tự chủ không những giảm áp lực tài chính trong xét nghiệm của doanh nghiệp, mà cơ bản nhất là làm tốt hơn khâu quan trọng trong phòng, chống dịch, đó là test sàng lọc truy vết.