VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam lo về thuế tối thiểu toàn cầu

Doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam lo về thuế tối thiểu toàn cầu

16:02 - 05/04/2023

Sau khi áp dụng quy tắc thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15%, Việt Nam cần có những biện pháp khác ngoài ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài.

Những tuần gần đây, trong các cuộc thảo luận giữa ban lãnh đạo Samsung với Chính phủ, lo ngại về chuỗi cung ứng nhường chỗ cho mối lo mới của gã khổng lồ điện tử: triển vọng không rõ ràng về những ưu đãi thuế từng thúc đẩy Samsung đến Việt Nam.

Việt Nam và hơn 130 chính phủ khác đạt được thỏa thuận thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu nhằm ngăn chặn một “cuộc đua xuống đáy” – giảm thuế liên tục để thu hút đầu tư nước ngoài. Thỏa thuận này – áp đặt thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% – do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm trung gian. Ấn Độ – nước chủ tịch luân phiên của nhóm G20 – muốn hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận chậm nhất vào tháng 7.

Thuế tối thiểu toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Samsung Electronics – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới – cử giám đốc tài chính của mình đến gặp Chủ tịch Quốc hội vào cuối tháng 2. Đây tiếp tục là vấn đề số một khi Tổng giám đốc Samsung Việt Nam trao đổi với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Tổng cục Thuế vào tháng 3.

Thuế tối thiểu toàn cầu hiện là mối lo hàng đầu của Samsung.

Thuế tối thiểu toàn cầu hiện là mối lo hàng đầu của Samsung.

Các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu và Nhật Bản cũng chia sẻ mối quan ngại với Samsung, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Trong buổi tiếp Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, NHNN cho biết Chính phủ đã thành lập một tổ công tác để “giảm thiểu thấp nhất các tác động tiêu cực” của thuế tối thiểu đến “tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam”. NHNN cho biết đã ghi nhận các kiến nghị của Samsung về vấn đề này.

Trong buổi tiếp vào cuối tháng 2, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã “chỉ đạo rà soát tính toán kĩ lưỡng các ưu đãi đầu tư khác về thuế, đất đai để có thể có được những bù đắp cho nhà đầu tư nhằm tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại cho nhà đầu tư”

Một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận của OECD sẽ giúp ích cho các nền kinh tế mới nổi.

“Đề xuất thuế tối thiểu của OECD đặc biệt có lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam, vốn đang gặp khó khăn trong việc thu thuế công bằng từ các tập đoàn đa quốc gia”, theo Jack Nguyễn – phó giám đốc điều hành phụ trách nhân sự Việt Nam của công ty tư vấn thuế Talentnet.

“Nhờ thuế tối thiểu, đề xuất này có thể làm giảm động cơ khuyến khích doanh nghiệp hoạch định thuế và đảm bảo rằng các nước đang phát triển nhận được phần đáng kể hơn trong doanh thu thuế do các doanh nghiệp đa quốc gia tạo ra”.

Trong những năm gần đây, khi Việt Nam nổi lên như một cường quốc sản xuất, Chính phủ đưa ra các ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài bao gồm 4 năm miễn thuế trong các ngành ưu tiên như công nghệ và 9 năm giảm 50% thuế. Trước đại dịch, Samsung và những công ty điện tử khác đóng thuế ở tỷ lệ một chữ số.

Nhưng kế hoạch của OECD có thể hủy bỏ lợi ích của những ưu đãi thuế đó với doanh nghiệp. Ví dụ: nếu một doanh nghiệp nước ngoài nộp thuế 10% ở một quốc gia, thì doanh nghiệp đó phải đóng thêm thuế ở nước quê hương để đạt mức tối thiểu 15%.

Điều đó có nghĩa là các ưu đãi thuế của Việt Nam “có thể bị thu hồi ở một quốc gia khác”, Robert King, đối tác của EY Việt Nam, viết trong một bài phân tích. “Nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi ích về thuế từ các ưu đãi – thuế chỉ được đóng ở một nơi khác”. Vì vậy, Chính phủ có thể cân nhắc “hình thức tính thuế bổ sung tối thiểu của riêng mình” để “doanh thu phát sinh ở Việt Nam bị đánh thuế ở Việt Nam”.

Để thu hút nhà đầu tư, Việt Nam có thể đưa ra những đặc quyền khác như giảm phí thuê đất.

Quy tắc thuế toàn cầu của OECD áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu hơn 750 triệu euro (820 triệu USD) một năm. Quốc hội đặt mục tiêu cập nhật luật thuế vào năm 2024 theo thỏa thuận.

Theo Viện Phát triển Bền vững Quốc tế, thuế doanh nghiệp toàn cầu đã giảm trong nhiều thập kỷ, đặc biệt vì các nước đang phát triển cạnh tranh thu thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. Viện nghiên cứu này kỳ vọng thỏa thuận của OECD sẽ hạn chế tình trạng cạnh tranh về thuế, buộc các nước phải tìm cách khác để thu hút nhà đầu tư.