VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Singapore quan tâm đến Việt Nam

Doanh nghiệp Singapore quan tâm đến Việt Nam

08:04 - 03/07/2023

Giám đốc điều hành Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cho biết các công ty của Singapore bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao.

Các công ty Singapore rất quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam, do tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và khả năng sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu, theo ông Kok Ping Soon – Giám đốc điều hành Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF).

Trả lời báo chí trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore sắp tổ chức tại Hà Nội, ông Kok cho biết theo Khảo sát Kinh doanh Quốc gia của SBF năm 2022-2023, Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. Các lĩnh vực chính mà họ quan tâm bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Quyết định tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore tại Việt Nam phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước.

Lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số được hai bên nỗ lực tăng cường hợp tác. Có rất nhiều điều mà Singapore và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực này để cùng phát triển, nhằm giải quyết các lợi ích cũng như cam kết quốc tế và khu vực của hai nước.

Điều này được thể hiện qua hàng loạt các biên bản ghi nhớ hai nước ký kết trong thời gian qua, bao gồm biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Bộ Công Thương Việt Nam, hợp tác về tín chỉ carbon giữa MTI và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, hay thỏa thuận về Quan hệ đối tác kinh tế số-kỹ thuật xanh giữa MTI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Khi ký các biên bản ghi nhớ này, Singapore mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi số, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng và an ninh mạng.

Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn.

Việt Nam được xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, Singapore muốn hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 ở cả hai nước. Ông Kok cho biết SBF đang tìm cách phát triển một mạng lưới điện kiết nối Singapore và Việt Nam. Nếu được thực hiện, đây có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác và thương mại năng lượng điện trong ASEAN.

Ở cấp độ khu vực, Singapore và Việt Nam là những đối tác cùng chia sẻ chí hướng trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với nền tảng vững chắc này, quan hệ thương mại và đầu tư của Singapore và Việt Nam đã ngày càng bền chặt hơn, kể cả khi hai nước vừa phải trải qua giai đoạn khó khăn do Covid.

Ông Kok khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các danh mục đầu tư của Singapore. Các công ty của Singapore bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao.

Thương mại song phương giữa Singapore và Việt Nam tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 31,3 tỷ USD trong năm 2022. Về mặt đầu tư, vốn FDI của Singapore vào Việt Nam năm 2022 lên tới gần 6,46 tỷ USD, đưa Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong năm đó. Tính đến tháng 5/2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lũy kế lớn thứ hai của Việt Nam, với số tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán 68,68 tỷ USD.

Năm 2021, SBF cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Bằng khen nhằm ghi nhận các tổ chức nước ngoài có đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội chung của Việt Nam. Đây là một minh chứng rất quan trọng về những nỗ lực không ngừng nghỉ của SBF, và những đóng góp hữu hình trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương ngày càng phát triển hơn.

Thông qua chương trình kết nối như GlobalConnect@SBF – một sáng kiến được hỗ trợ bởi cơ quan Chính phủ Singapore là Enterprise Singapore – SBF đã hơn 700 lần tư vấn cho các công ty Singapore về thị trường Việt Nam kể từ tháng 11/2019, và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án muốn mở rộng hoạt động sang Việt Nam của các công ty Singapore. SBF đã thành lập 3 Trung tâm Doanh nghiệp Singapore tại TP HCM, Jakarta và Bangkok để hỗ trợ kinh doanh theo nhu cầu của từng doanh nghiệp. Các trung tâm này cũng tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ quan chính phủ, hiệp hội, phòng thương mại và các nhân tố thức đẩy thị trường như ngân hàng, công ty dịch vụ chuyên nghiệp và đối tác kênh như UOB hay Techcombank.