VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp thu hút người lao động trở lại bằng chính sách ưu đãi

Doanh nghiệp thu hút người lao động trở lại bằng chính sách ưu đãi

14:16 - 17/11/2021

Các doanh nghiệp miền Nam đang xây dựng nhiều chế độ ưu đãi để kéo người lao động trở lại làm việc.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai, đến nay đã có 1.657/1.713 doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 97%. Tổng số lao động trở lại làm việc là hơn 529.000 người, đạt tỷ lệ 86%. Những tháng cuối năm, đơn hàng nhiều, để duy trì và ổn định sản xuất, doanh nghiệp đang có nhiều cách để chăm lo và giữ chân người lao động.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam, cho biết đến nay, công ty có 24.000 công nhân đi làm trở lại, đạt tỷ lệ 90%. Để hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, công ty triển khai nhiều chính sách chăm lo thiết thực. Điển hình như trợ cấp cho gần 8.000 công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và lao động nữ mang thai, chi trả tiền ngừng việc từ ngày 22/7 đến ngày 30/9/2021 cho 23.000 công nhân…

Doanh nghiệp đang cần nguồn lao động để đáp ứng các đơn hàng cuối năm.

Doanh nghiệp đang cần nguồn lao động để đáp ứng các đơn hàng cuối năm.

Sau nhiều tháng tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp tại Bình Dương hiện đã hoạt động trở lại và tăng cường tuyển dụng lao động cho các đơn hàng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng cao nhưng cung không đủ cầu khiến doanh nghiệp tung ra nhiều biện pháp để thu hút lực lượng lao động.

Bà Phan Thị Cẩm Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Timberland, chuyên sản xuất ghế sofa xuất khẩu, cho biết: “Chúng tôi đã cho đăng tải thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, dán thông báo tại khu tập trung đông người, thông qua giới thiệu của công nhân trong công ty để săn tìm lao động”. Doanh nghiệp này cũng cam kết đưa ra nhiều chế độ phúc lợi để giữ chân và thu hút người lao động, nhưng lao động địa phương ở Bình Dương không nhiều nên việc tuyển dụng gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt, đợt dịch bệnh vừa qua khiến hơn 500 công nhân phải rời công ty về quê tránh dịch. “Sau khi các tỉnh thông thương chuyện đi lại dễ dàng hơn, công ty sẽ tiếp tục liên lạc đưa công nhân trở lại với những phần thưởng riêng để hỗ trợ công nhân bù vào thời gian nghỉ việc do dịch bệnh. Năm nay, dù doanh thu không tốt, nhưng ngoài lương, thưởng tết như hàng năm công ty sẽ có một khoản riêng để giữ chân người lao động”, ông Liêm nói.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP HCM, gần 80% nhà máy, doanh nghiệp tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động trở lại. Đặc biệt, hiện nay khoảng 90% lực lượng lao động ở các khu vực này trở lại làm việc. Như vậy, các nhà máy tại TP HCM hiện đang thiếu khoảng 10% công nhân.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp hiện có 3 khu lưu trú rộng rãi cho người lao động. “Ngoài ra, để động viên tinh thần lực lượng lao động trở lại làm việc, mới đây công ty đã tặng túi quà gồm gạo, dầu ăn, hạt nêm, nước tương… cho toàn bộ công nhân. Cùng với đó, công ty còn tặng mỗi công nhân một máy đo nhiệt độ để theo dõi sức khỏe”, bà cho biết.

Đại diện một số doanh nghiệp khác cũng chia sẻ, với lộ trình mở rộng sản xuất, họ cần tuyển thêm lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng mới không dễ, do lực lượng lao động về quê rất lớn. Để người lao động quay trở lại, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều phương án như tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ tìm nơi ở, hỗ trợ tiền phong trọ…

Để hỗ trợ thị trường lao động phục hồi, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn vấn đề hỗ trợ người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc tại các địa phương phía Nam.

Theo đó, đoàn viên công đoàn, người lao động đã về quê có nguyện vọng trở lại doanh nghiệp làm việc sẽ được nhận hỗ trợ. Điều kiện để được hỗ trợ là doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn; có số lượng lao động từ 5.000 người trở lên; sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, chỗ ở và các nhu cầu thiết yếu khác cho đoàn viên, người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ kinh phí để công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện đón người lao động quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển).

Hàng triệu người lao động ở các thành phố lớn bỏ về quê trong đợt dịch thứ 4.

Hàng triệu người lao động ở các thành phố lớn bỏ về quê trong đợt dịch thứ 4.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc bao phủ tiêm chủng, để giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn lao động, doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án hỗ trợ thiết thực trong 1-2 tháng đầu khi người lao động trở lại làm việc để họ yên tâm sản xuất. ThS Nguyễn Thị Minh Thu, giảng viên Đại học RMIT, đề xuất doanh nghiệp có thể đưa đón nhân viên, hoặc hợp tác với nhà cung ứng để bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu ngay tại cơ sở sản xuất.

Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh, để thu hút người lao động đã về quê an tâm trở lại làm việc tại các thành phố lớn, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp và chính quyền cả nơi đi và đến. Việc kết nối thông tin cung – cầu lao động giữa doanh nghiệp, người lao động và các địa phương là rất quan trọng.

Cần thông báo rõ ràng cho người lao động về cơ hội việc làm, các chính sách, thủ tục đãi ngộ cũng như các quy trình, hỗ trợ giúp người lao động di chuyển từ quê đến nơi dự định làm việc và sẵn sàng bắt đầu công việc. “Chúng ta nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kết nối này. Chỉ khi người lao động cảm thấy được an toàn và an tâm cả về y tế và tác động về kinh tế, họ mới quay trở lại”, bà Hà nói.