VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi qua xuất khẩu trực tuyến

Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi qua xuất khẩu trực tuyến

11:32 - 14/12/2021

Xuất khẩu trực tuyến đã mở lối và được kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt Nam rộng cửa xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do Covid-19 kéo dài càng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Trong đó, xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới đang là xu hướng và đích đến của nhiều doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trong khu vực. Với doanh thu thương mại điện tử toàn cầu đến năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh mở rộng thị trường hiệu quả cho doanh nghiệp bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống và từng bước trở thành nhân tố quan trọng của nền kinh tế.

Báo cáo thường niên “SYNC Southeast Asia” của Facebook và Công ty Tư vấn Bain & Company (Mỹ) công bố cuối tháng 11/2021 cũng dự đoán Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

Hơn 7 triệu sản phẩm Việt được tiêu thụ trên Amazon trong năm qua

Nhận định được xu hướng đó, thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Vừa qua, Bộ đã triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc và hợp tác với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… để thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp về phương thức đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, kết nối vận chuyển, thanh toán quốc tế… nhằm xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực chuyển đổi và nhanh chóng nắm bắt thời cơ để phục hồi sau dịch Covid-19. Theo thống kê trong năm 2021, chỉ tính riêng trên sàn thương mại điện tử Amazon, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã bán sản phẩm cho khách hàng toàn cầu. Một số cái tên trong nhón các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực xuất khẩu trực tuyến gồm Gốm sứ Minh Long, Mũ bảo hiểm Royal Helmet, Rong Nho Trường Thọ, Hạt điều Lafooco…

Danh mục nhóm sản phẩm bán chạy hàng đầu trên Amazon từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bao gồm: Đồ gia dụng, Dụng cụ nhà bếp, Tiện ích gia đình, Sản phẩm dệt may và Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ & cá nhân. Trong đó, gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới, trung bình 14 sản phẩm mỗi phút. Số lượng sản phẩm được bán trên cửa hàng của Amazon tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng doanh nghiệp vượt mốc doanh số 100.000 USD và 500.000 USD lần lượt tăng gần 18%, 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhiều đơn vị vượt mốc 1 triệu USD doanh thu bán hàng ra thị trường quốc tế thông qua Amazon.

Theo Báo cáo của Amazon 2021, Amazon cũng đã và đang không ngừng tiếp sức cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất, công ty khởi nghiệp và doanh nhân của Việt Nam bằng cách cung cấp công cụ và cơ hội để kinh doanh sản phẩm trực tuyến, mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng thương hiệu và tạo ra tác động tích cực cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, Amazon Global Selling xuất bản hơn 50 khóa học bằng tiếng Việt, tổ chức hơn 70 sự kiện, hội thảo, chương trình đào tạo phát sóng trực tiếp để cung cấp thông tin, kiến thức cho doanh nghiệp, đối tác. Hàng nghìn đối tác bán hàng Việt Nam đã tận dụng Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) và doanh số bán hàng qua FBA của họ đã tăng gần 50%.

Theo các chuyên gia, việc xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới là cách thức tìm kiếm bạn hàng và thực hiện giao dịch kinh doanh có tiềm năng lớn, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế, đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp có hướng đi mới phục hồi sau đại dịch. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công Thương cũng đặt ra hướng tới mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số để tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu.