VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng tốc sau giãn cách

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng tốc sau giãn cách

15:51 - 07/10/2021

Sau thời gian dài ngưng trệ vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam đã rục rịch hoạt động trở lại sau khi các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội.

Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến việc vận chuyển gặp khó, thiếu nhân công thu hoạch lúa, nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất… đã ảnh hưởng lớn đến thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian từ tháng 1-9 đã giảm 9,5% so với cùng giai đoạn năm trước. Không ít doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đangkhởi động trở lại sau thời gian dài giãn cách

Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch Covid-19 trong nước dần được kiểm soát, một số địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, từ đầu tháng 10/2021, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã rục rịch khởi động và có những tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến hết tháng 9, có 18 tàu vào các cảng xếp hàng với số lượng 158.300 tấn gạo các loại.

Đặc biệt, thị trường cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đã tăng lên khoảng 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021. Trong khi giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức từ 358-363 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 280-402 USD/tấn (tùy loại).

Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước khởi sắc hơn, trong khi nguồn cung tại Ấn Độ có nhiều yếu tố bất lợi do tình hình thời tiết đã ảnh hưởng đến vụ thu hoạch hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang thu mua gạo từ nông dân để tích trữ vào kho dự trữ quốc gia, khiến giá gạo trong nước tăng.

Nhiều thương nhân kỳ vọng, xuất khẩu gạo tăng trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tái khởi động và nối lại các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác. Ví dụ tại Cần Thơ, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã tập hợp lao động về nhà máy để thực hiện xét nghiệm, bố trí công việc. Dự kiến, từ sau ngày 10/10 công ty sẽ bắt đầu nối lại các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác. Trước mắt, ưu tiên xuất khẩu khoảng 22.000 tấn gạo cho thị trường Hàn Quốc với thời gian giao hàng từ 15/10 – 15/11/2021.

Với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm, gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Vì vậy, dù có tín hiệu tích cực, song các bộ, ngành vẫn đang tích cực tìm những giải pháp để ổn định tình hình sản xuất cũng như xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để giữ vững thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng chất kiểm dịch thực vật, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.