VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành may mặc, giày dép ở Việt Nam bị ảnh hưởng đến năm 2022

Ngành may mặc, giày dép ở Việt Nam bị ảnh hưởng đến năm 2022

10:36 - 16/11/2021

Các thương hiệu quần áo và giày dép quốc tế có thể chịu ảnh hưởng từ đợt đóng cửa nhà máy ở Việt Nam cho đến năm 2022, theo BofA Securities.

Theo các nhà phân tích của BofA Securities, tác động của việc các nhà máy ngừng hoạt động ở Việt Nam có thể còn tồi tệ hơn so với dự kiến của nhiều nhà bán lẻ quần áo và giày dép, kéo dài đến năm 2022.

Công ty nghiên cứu này cho biết trong một lưu ý với khách hàng vào cuối tuần trước rằng sự phục hồi ở Việt Nam sẽ diễn ra chậm hơn so với dự đoán của các nhà bán lẻ và rằng các doanh nghiệp đang quá lạc quan về thời gian khôi phục sản xuất.

Việc tạm dừng sản xuất ở Việt Nam ảnh hưởng đến các thương hiệu giày dép lớn như Nike.

Việc tạm dừng sản xuất ở Việt Nam ảnh hưởng đến các thương hiệu giày dép lớn như Nike.

BofA chỉ ra một số lý do cho dự đoán của mình, bao gồm việc tái mở cửa kinh tế ở miền Nam Việt Nam – nơi có nhiều nhà sản xuất quần áo và giày dép – diễn ra chậm hơn nhiều so với miền Bắc.

Việt Nam vừa trải qua một đợt gia tăng nghiêm trọng số ca nhiễm Covid trong mùa hè qua, dẫn đến đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại nhiều địa phương, đặc biệt ở miền Nam. Việc tạm dừng sản xuất giáng một đòn mạnh vào các công ty như Adidas và Nike, vốn phụ thuộc rất nhiều vào Việt Nam nói riêng, và châu Á nói chung, để sản xuất giày và quần áo thể thao của họ. Các doanh nghiệp đã bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng BofA lưu ý rằng tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp hơn đáng kể so với những quốc gia khác.

Nhà kinh tế Mohamed Faiz Nagutha của BofA cho biết: “Mặc dù các hoạt động sản xuất thực sự đã phục hồi nhanh chóng vào năm ngoái sau sự gián đoạn ngắn liên quan đến Covid, nhưng lần này hoạt động sản xuất có thể mất nhiều thời gian hơn để bình thường trở lại – có thể là mất 6 tháng”.

Ông nói thêm rằng các quy tắc vận hành nhà máy hiện tại ở Việt Nam vẫn còn nghiêm khắc và rất phức tạp, có thể cản trở khả năng quay trở lại làm việc của người lao động. “Nhìn chung, chúng tôi dự đoán sẽ có một số khó khăn đè nặng lên kỳ vọng hoạt động sản xuất trở lại nhanh chóng – bao gồm khả năng thiếu lao động kéo dài… nhưng cũng do chi phí nguyên liệu thô tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở nhiều khu vực khác của châu Á”, Nagutha nói.

Puma đã cảnh báo rằng những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở Việt Nam, sẽ dẫn đến việc công ty thiếu hụt sản phẩm trong năm tới. Tuần trước, Adidas cắt giảm triển vọng năm 2021 do gián đoạn nguồn cung ứng.

Chủ đề này có thể được nêu lên trong tuần này, khi một số nhà bán lẻ dự kiến công bố kết quả kinh doanh hàng quý.