VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»USD mạnh gây áp lực giảm giá lên hàng hóa

USD mạnh gây áp lực giảm giá lên hàng hóa

12:10 - 20/07/2022

Giá dầu, kim loại và nông sản lao dốc trong những tuần gần đây, một phần vì đồng USD tăng giá mạnh.

Xu hướng tăng giá hàng hóa thương phẩm đang gặp phải sự kháng cự từ đồng USD mạnh.

Giá dầu, kim loại và các sản phẩm nông nghiệp lao dốc từ đầu tháng 6 sau khi tăng vọt ở thời điểm bùng phát chiến tranh Nga-Ukraine. Sự sụt giảm gần đây một phần phản ánh lo ngại của giới đầu tư rằng sắp có một cuộc suy thoái đánh vào nhu cầu. Nhưng một phần cũng là vì hầu hết các mặt hàng được định giá bằng USD. Điều đó có nghĩa là đồng USD tăng giá khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với người mua trên khắp thế giới và hạ nhu cầu.

Được thúc đẩy bởi những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lo lắng về nền kinh tế thế giới, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002, theo Chỉ số Dollar – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với một rổ các loại tiền tệ. Ít ai dự báo rằng Fed sẽ dừng chiến dịch tăng lãi suất của mình trước năm sau.

Giá xăng hạ nhiệt nhờ đợt bán tháo hàng hóa thương phẩm gần đây.

Giá xăng hạ nhiệt nhờ đợt bán tháo hàng hóa thương phẩm gần đây.

Giovanni Staunovo – một nhà phân tích tại UBS Global Wealth Management– cho biết: “Nếu dầu đắt theo USD và đồng USD mạnh lên, thì nó thậm chí còn đắt hơn [đối với những loại tiền tệ khác]”.

Nếu động lực này được giữ vững và giá hàng hóa vẫn chịu áp lực, điều đó có thể giúp kiềm chế lạm phát và giúp Fed không phải tăng lãi suất quá nhanh và quá cao đến mức đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Dữ liệu về mức sử dụng ô tô và lưu lượng hàng không chưa cho thấy nhu cầu nhiên liệu giảm ở những nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, theo Damien Courvalin – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Goldman Sachs. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ thay đổi khi giá cao hơn gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ông cho biết.

Goldman Sachs ước tính rằng sức mạnh của đồng USD làm tăng giá nhiên liệu bán lẻ ở các nước như Ấn Độ ở mức tương đương 10 USD/thùng. Thiếu hụt công suất lọc dầu làm tăng thêm 15 USD/thùng nữa.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong tháng này cho biết sức mạnh của đồng USD – kết hợp với giá nhiên liệu chế phẩm kỷ lục – nhiều khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu ở các thị trường mới nổi. Khi giá dầu thô Brent đạt đỉnh vào đầu tháng 6, nó tăng 59% tính theo đồng USD, nhưng tăng 2/3 tính theo đồng nhân dân tệ và 85% tính bằng đồng yên.

Đồng USD mạnh hơn không chỉ làm tăng thêm chi phí mua nguyên liệu thô bên ngoài Mỹ mà còn có thể khuyến khích các nhà sản xuất hàng hóa ngoài Mỹ bán bớt hàng tồn kho, vì doanh thu có giá trị cao hơn khi quy đổi thành nội tệ. Một dấu hiệu cho thấy điều này là nguồn cung cà phê tăng ở Cameroon.

Đồng USD cao đang gây khó khăn cho một số quốc gia trong việc mua hàng nhập khẩu. Ví dụ, ở Argentina, sự thiếu hụt đồng bạc xanh dẫn đến việc chính phủ cấp ít giấy phép nhập khẩu cà phê hơn, theo Carlos Mera – một nhà phân tích tại Rabobank. Ông nói thêm: “Có nỗi sợ về sự khan hiếm cà phê” ở Argentina.

Thị trường hàng hóa và tiền tệ có mối quan hệ phức tạp. Trong lịch sử, giá nguyên vật liệu tương quan nghịch với đồng tiền của Mỹ – nghĩa là chúng giảm giá khi đồng USD tăng. Đó không chỉ là do đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu. Đối với đồng và ngũ cốc, lao động và những đầu vào khác chủ yếu được thanh toán bằng nội tệ. Do đó, chi phí sản xuất giảm khi các đồng tiền nội tệ suy yếu.

Đối với dầu mỏ, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây sau khi cuộc cách mạng dầu đá phiến biến Mỹ thành một nước xuất khẩu năng lượng lớn, và khi các nước sản xuất dầu ở Trung Đông bắt đầu đổ thêm tiền vào tài sản của Mỹ. Trong năm qua, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau những hạn chế của đại dịch đẩy giá dầu lên cao hơn khi đồng USD tăng giá.

Mối quan hệ nghịch giữa giá dầu và đồng USD trở lại kể từ tháng 6. Dầu thô Brent giảm 14% từ mức cao nhất ngày 8/6 xuống khoảng 106 USD/thùng. Trong thời điểm đó, Chỉ số Dollar tăng thêm khoảng 4%.