VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%, Israel vẫn đối mặt với làn sóng Covid-19 mới

Đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%, Israel vẫn đối mặt với làn sóng Covid-19 mới

09:23 - 13/08/2021

Israel cung cấp thêm mũi tiêm thứ ba, yêu cầu đeo khẩu trang trở lại và cách ly đối với người từ nước ngoài khi biến thể Delta làm số ca nhập viện tăng mạnh.

Sau khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 rộng rãi, Israel một lần nữa lại đặt ra các hạn chế để chống lại sự lây lan của biến thể Delta.

Yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang đã trở lại cho các sự kiện tụ tập lớn ngoài trời. Nhiều địa điểm yêu cầu mọi người xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19 âm tính hoặc phục hồi sau khi nhiễm virus. Những người đến từ hầu hết các quốc gia phải cách ly ít nhất một tuần, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Những người trên 60 tuổi đang được đề xuất tiêm mũi vaccine thứ 3 của Pfizer. Chính phủ đang có kế hoạch cung cấp loại vaccine này cho những người trẻ tuổi hơn với hy vọng nó có thể ngăn chặn sự gia tăng của các ca bệnh nặng.

"<yoastmark

Các quan chức y tế đang cảnh báo rằng Israel có thể phải đối mặt với đợt phong tỏa thứ 4 trong kỳ nghỉ lễ của người Do Thái vào tháng 9 nếu các biện pháp hiện tại để kiềm chế làn sóng lây nhiễm mới không có tác dụng.

Hơn một tháng trước, cuộc sống hàng ngày ở Israel đã nhanh chóng trở lại bình thường. Mọi người đã ăn tối trong nhà hoặc tham dự các buổi hòa nhạc mà không cần cái gọi là thẻ xanh – một chứng chỉ kỹ thuật số được lưu trữ trên điện thoại để cho thấy chủ sở hữu đã được tiêm phòng đầy đủ. Nhưng biến thể Delta đang gây ra những thay đổi, khiến Israel trở thành một thử nghiệm cho những nước khác cũng có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Một quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự là Anh đã chứng kiến một ​​làn sóng lây nhiễm Delta. Nhưng tại đây, tỷ lệ nhập viện vẫn ở mức thấp và đang giảm, theo dữ liệu chính thức đến đầu tháng 8.

Các chuyên gia y tế Israel đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy nước này có thể đi theo quỹ đạo của Anh. Nếu không, đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia khác.

Số ca mắc bệnh nặng do virus gây ra ở Israel đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 8, lên 400 người. 240 bệnh nhân trong số đó đã được tiêm phòng. Thủ tướng Naftali Bennett cho biết các bệnh nhân trên 50 tuổi chiếm 90% các ca bệnh nặng. “Tôi đề nghị mọi công dân Israel trên 50 tuổi phải hết sức cẩn thận trong những tuần tới”, ông nói.

Mặc dù số ca bệnh nặng vẫn ở mức thấp, nhưng tốc độ gia tăng đã làm dấy lên những lo ngại. Các bệnh viện đang chuẩn bị cho một lượng bệnh nhân tương tự như những ngày đầu của đại dịch, với trung bình gần 4.000 ca nhiễm virus corona mới được ghi nhận hàng ngày.

Để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đối với những người dân đã tiêm chủng, tháng trước, Israel đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu cung cấp liều Pfizer thứ ba cho những người từ 60 tuổi trở lên, mà không có bất kỳ bằng chứng lâm sàng nào cho thấy nó có hiệu quả. Quyết định này được đưa ra sau khi dữ liệu sơ bộ được cung cấp cho các chuyên gia y tế tư vấn cho chính phủ Israel cho thấy khả năng bảo vệ chống lại triệu chứng nghiêm trọng đối với những người được tiêm chủng trong độ tuổi đó đã giảm xuống 81% từ 97% vào giữa tháng 4.

Người chờ tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 ở Tel Aviv.

Người chờ tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 ở Tel Aviv.

Các chuyên gia Israel cho biết vẫn chưa rõ liệu sự sụt giảm khả năng bảo vệ là do biến thể Delta, khả năng miễn dịch suy yếu hay sự kết hợp của cả hai.

Thủ tướng Bennett đã nói với các nhà chức trách y tế hôm thứ Năm chuẩn bị kế hoạch cung cấp mũi thứ Ba cho những người dưới 60 tuổi. “Mục tiêu của chúng tôi đã, đang và vẫn là, chống lại biến thể Delta mà không gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong chừng mực có thể. Để đáp ứng nhiệm vụ này, nỗ lực tiêm chủng là công cụ tối cao”, ông nói.

Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz và các chuyên gia y tế cố vấn cho chính phủ Israel cho biết họ hy vọng Israel sẽ sớm có bằng chứng về hiệu quả của việc tiêm nhắc lại, có thể trong tuần này.

Nếu việc tiêm nhắc lại thành công trong việc giảm các trường hợp bệnh nặng, nó sẽ “cho chúng tôi một công cụ mạnh mẽ để chống lại đại dịch”, ông Horowitz nói. “Đây là lý do tại sao chúng tôi quyết định tiếp tục, ngay cả trước khi được FDA [Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ] chấp thuận”.

Tại Mỹ, FDA dự kiến ​​sẽ có chiến lược về mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 vào đầu tháng 9. Chiến lược này sẽ đưa ra thời điểm và đối tượng nên tiêm các mũi nhắc lại tiếp theo. Các chính phủ Pháp và Đức cho biết sẽ sớm có các mũi nhắc lại.

Việc triển khai thêm các mũi nhắc lại được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi tạm hoãn các mũi tiêm như vậy cho đến ít nhất là cuối tháng 9. Lý do được tổ chức này đưa ra là nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp vaccine cho các nước nghèo.

Các nhà chức trách Israel cho biết hơn 600.000 người Israel từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn 1/3 nhóm tuổi này, đã nhận được mũi tiêm Pfizer thứ 3 kể từ khi nó được phê duyệt. Để đủ điều kiện, người dân phải tiêm mũi thứ 2 từ ít nhất 5 tháng trước.