VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Dư thừa hàng triệu tấn nông sản dịp Tết

Dư thừa hàng triệu tấn nông sản dịp Tết

16:26 - 13/01/2022

Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nếu mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng thì trong quý 1 còn thừa khoảng 2,5 triệu tấn.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả” sáng 13/1, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng sản lượng rau mỗi năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý 1 hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng.

Với số lượng này, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý 1 vẫn vào khoảng 2,5 triệu tấn. Riêng khu vực Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.

Sản lượng rau thừa trong quý 1 vào khoảng 2,5 triệu tấn

Trong số các mặt hàng nông sản, thanh long có sản lượng cao nhất với 1,4 triệu tấn/năm. Sau đó là chuối với hơn 1 triệu tấn, xoài với hơn 800.000 tấn, sầu riêng hơn 600.000 tấn… tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khu vực này còn ít cơ sở chế biến và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

Thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2022. Sau khi dư thừa hàng trăm nghìn tấn thanh long, có khoảng 47.600 tấn mít, 86.000 tấn chuối và 50.000 tấn bưởi cần hỗ trợ tiêu thụ gấp từ nay đến Tết Nguyên đán bởi đây là thời điểm vào vụ thu hoạch trong khi thời gian bảo quản ngắn.

Đặc biệt, sau thanh long, mít có thể sẽ cần đến các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ. Trong năm 2021, có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên, số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 doanh nghiệp của Việt Nam và 3 doanh nghiệp Trung Quốc nên thị trường bị phụ thuộc bởi nhóm thương nhân này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, từ đó phân bổ sản xuất theo tín hiệu thị trường. Chẳng han, Đồng bằng sông Cửa Long có sản lượng chiếm khoảng 80%, thì những vùng khác chuyển cây trồng khác, thay vì cứ tập trung trồng mít.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lại cho rằng, qua những bài học ùn tắc trong thời gian qua, các địa phương cần xây dựng lại, chuẩn hóa các vùng trồng nguyên liệu ngay từ gốc. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến. Đồng thời, các địa phương, đơn vị kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tiến tới tạo lập ra một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản, ngay từ khi bắt đầu vụ gieo trồng.

Có thể thấy, câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã trở nên khá phổ biến trong những năm gần đây bởi phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm và hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị hàng hóa. Thêm vào đó, nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa phải là “cặp đũa có đôi” và thường lệch pha trong chuỗi cung ứng. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kéo theo vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn khiến khâu tiêu thụ bị đứt gẫy tức thì.

Để hạn chế tối đa thiệt hại cũng như thúc đẩy tiêu thụ nông sản ổn định hơn, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, theo các chuyên gia không còn cách nào khác phải bắt đầu từ tổ chức lại quy mô sản xuất, tăng cường sự gắn kết giữa các chủ hộ nông dân với hợp tác xã và giữa người sản xuất với hệ thống phân phối.