VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Đường sắt Việt Nam xin nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản

Đường sắt Việt Nam xin nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản

10:51 - 19/10/2021

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa báo cáo Chính phủ đề xuất cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản tuổi thọ trung bình hơn 40 năm do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí với giá 0 đồng để cải tạo, khai thác. 

Theo ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đối tác của VNR là Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) thông báo sẽ ngừng khai thác một số toa xe tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48 để chuyển sang dòng xe mới hơn. JR East sẵn sàng chuyển giao miễn phí cho VNR 37 toa xe trên nếu có nhu cầu, phía Việt Nam chỉ phải chịu các chi phí liên quan như nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định Việt Nam.

Hình ảnh những toa xe Nhật Bản muốn tặng đường sắt Việt Nam

Các toa xe Kiha 40 và Kiha 48 là loại toa xe tự vận hành, chuyên chở khách, được sản xuất từ năm 1979-1982. Toa xe trang bị ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản.

Các toa này trước khi thông báo chuyển giao vẫn được JR East khai thác bình thường, bảo dưỡng thường xuyên nên còn đảm bảo chất lượng. Phía JR East loại ra do dừng khai thác tuyến đường sắt sử dụng công nghệ cũ để chuyển sang công nghệ mới nên toa tàu đó không còn tương thích.

Do đó, VNR cho rằng việc tiếp nhận các toa xe DMU đã qua sử dụng để cải tạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam khai thác chở khách trên đường sắt Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, việc tiếp nhận các toa tàu cũ của Nhật Bản giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư đóng mới toa xe trong bối cảnh ngành đường sắt đang thiếu vốn cũng như bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ việc đóng mới…

Ngoài ra, việc sử dụng toa xe tự vận hành sẽ giảm được thời gian lập tàu, giảm chi phí chạy tàu; thuận lợi khi chủ động bố trí chiều dài đoàn tàu tùy nhu cầu khai thác vận tải trên từng tuyến có cự ly ngăn đế tối ưu hóa chi phí vận tải.

Tuy nhiên, đề xuất này của VNR đang vấp phải nhiều vấn đề. Ngoài việc lo ngại việc nhập các toa tàu cũ thì hiệu quả sử dụng không cao, đi ngược lại xu thế hiện đại hóa ngành đường sắt thì đề xuất cũng gặp phải vướng mắc liên quan đến pháp lý.

Cụ thể, Nghị định 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đường sắt chỉ cho nhập khẩu toa xe không quá 10 năm; toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị không quá 40 năm. Đối chiếu các quy định này, các toa xe DMU nói trên đều được sản xuất cách đây từ 39 đến 42 năm sẽ không được phép nhập khẩu vào Việt Nam để khai thác trên các tuyến đường sắt quốc gia.