VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»EU chi 5,4 tỷ euro hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng từ Brexit

EU chi 5,4 tỷ euro hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng từ Brexit

11:22 - 29/09/2021

Pháp và Ireland là những nước nhận được hỗ trợ nhiều nhất.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/9 đã phê chuẩn lần cuối cho gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 5,4 tỷ euro (6,3 tỷ USD) cho các nước thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế do Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit).

EU ra tuyên bố quỹ trên sẽ hỗ trợ các vùng, các lĩnh vực và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế và xã hội trực tiếp của Brexit. Cụ thể, các doanh nghiệp công và tư nhân phải đối mặt với sự đứt gãy của các dòng thương mại, trong đó có các chi phí mới cho việc kiểm tra hải quan và các thủ tục hành chính… sẽ được hỗ trợ để trang trải các chi phí phụ trội, đền bù những thiệt hại và ứng phó với các tác động tiêu cực khác.

EU cứu trợ khẩn cấp 5,4 tỷ euro cho các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi Brexit

Quỹ hỗ trợ này xuất phát từ việc Anh rời EU đã gây ra một tình huống chưa từng thấy, làm tổn thương nghiêm trọng dòng chảy thương mại và đầu tư của các nước thành viên. Trong đó, Ireland là thành viên duy nhất của EU có biên giới trên bộ với Vương quốc Anh, nên cũng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, Ireland sẽ nhận được 1,1 tỷ euro từ quỹ trên nhằm xử lý hậu quả lớn của Brexit.

Trong khi đó, Pháp sẽ nhận được 735 triệu euro do nghề đánh cá của nước này bị ảnh hưởng vì giảm 25% khả năng tiếp cận với các vùng biển của Anh.

Trong lúc “cú sốc” mang tên Brexit vẫn còn chưa nguôi ngoai, “lục địa già” lại đang tiếp tục phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới mang tên Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã tấn công các nước EU từ tháng 02/2020. Trong đó, Italy là “nạn nhân” đầu tiên và ngay sau đó lan rộng ra khắp châu Âu.

Dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về người, mà còn ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế EU. Với tốc độ lây lan khủng khiếp, Covid-19 đã nhấn chìm triển vọng tăng trưởng của EU và đặt các nền kinh tế nội khối trước các thách thức nghiêm trọng. EU sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể gia tăng mối liên kết, duy trì uy tín và quyền lực đối với các nước thành viên cũng như trên toàn thế giới.