VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»EU và Ấn Độ lên kế hoạch cho thỏa thuận cơ sở hạ tầng toàn cầu

EU và Ấn Độ lên kế hoạch cho thỏa thuận cơ sở hạ tầng toàn cầu

09:26 - 22/04/2021

Động thái được cho là phản ứng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

EU và Ấn Độ đang đàm phán để hợp tác xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao mô tả kế hoạch này là quan hệ đối tác mang tính “kết nối” trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, công nghệ và vận tải. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm đưa ra các biện pháp bảo vệ pháp lý tốt hơn và các điều khoản vay nợ nhẹ nhàng hơn so với Trung Quốc.

Ấn Độ và EU muốn công bố sáng kiến này tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 8/5. Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách thúc đẩy các nổ lực tương tự nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Kế hoạch EU-Ấn Độ sẽ không được gọi là một liên minh chống Bắc Kinh. Nhưng các nhà quan sát cho rằng đây là một phần nỗ lực nhằm đưa ra các lựa chọn thay thế cho BRI trên khắp châu Âu, châu Phi và châu Á.

Tuy nhiên, các điều khoản vẫn chưa được hoàn thiện, bao gồm cả nguồn vốn. Theo dự định, vốn sẽ đến từ cả khu vực công và tư.

“Hiện có một cơ hội hợp tác và tạo môi trường cho toàn cầu hóa dựa trên quan hệ đối tác hấp dẫn hơn so với Trung Quốc”, một nhà ngoại giao EU cho biết. “EU và các đồng minh có lợi ích chung ở đây là đưa ra một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, thay vì cho phép các khoản đầu tư của Trung Quốc chiếm ưu thế”.

Các nhà ngoại giao cho biết thêm rằng kế hoạch Ấn Độ-EU sẽ tập trung vào các dự án hợp tác trên lãnh thổ của mình và các sáng kiến ở các nước thứ ba. Đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như tính bền vững tài chính và tiêu chuẩn pháp quyền. Một trọng tâm khác sẽ là cải thiện hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới.

EU đã từng vạch ra kế hoạch triển khai hàng chục tỷ euro để tài trợ các khoản đầu tư có giá trị gấp nhiều lần nhằm xây dựng mối quan hệ giữa châu Âu và châu Á. Ấn Độ cũng đã cam kết mức tài trợ đáng kể cho các dự án quốc tế.

Vào hôm thứ Tư, trong một cuộc họp kín, các đại sứ EU đã gặp nhau để đưa ra một chiến lược bao quát hơn. Cuộc thảo luận kéo dài gần hai giờ và được coi như một “lời cảnh tỉnh” nhằm thúc đẩy hoạt động trong khu vực, một nhà ngoại giao cho biết.

Các nỗ lực của Brussels nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc diễn ra khi EU đang cố gắng làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Vào tháng 12 vừa qua, hai bên đã ký một thỏa thuận đầu tư sơ bộ.

EU xác nhận các cuộc đối thoại với Ấn Độ. Tổ chức này nhấn mạnh các kế hoạch liên kết Á-Âu là một “nền tảng toàn diện mở để hợp tác với tất cả các đối tác” và không nhằm “chống lại bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào khác”.

Sáng kiến Vành Đai và Con đường của Trung Quốc gây lo ngại cho một số quốc gia khi Bắc Kinh theo đuổi các dự án liên quan đến đường bộ, đường sắt, cầu cảng.

Khuôn khổ rộng của BRI đã được tán thành bởi hơn 150 nước và tổ chức quốc tế, bao gồm hơn phân nửa 27 thành viên của EU. Nhưng nó cũng đối mặt với các chỉ trích, bao gồm các tiêu chuẩn về môi trường, khoản nợ các nước phải nhận và các hình phạt họ phải đối mặt nêu không trả được nợ.

Vào tháng 7 vừa qua, EU và Ấn Độ đã đồng ý thăm dò một sáng kiến của riêng họ. Mục đích sẽ là “tìm kiếm sự hiệp lực giữa mối quan hệ hợp tác về kết nối của mình và các nước thứ ba, bao gồm cả trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

EU đã thiết lập quan hệ đối tác tương tự vào năm 2019 với Nhật Bản. Abe Shinzo, thủ tướng khi đó của nước này, đã ca ngợi sự hợp tác này là “sự kết nối bền vững, dựa trên các quy tắc từ Ấn Độ – Thái Bình Dương đến Tây Balkan và châu Phi”.

Kế hoạch hợp tác dự kiến giữa EU và Ấn Độ được thông báo trong lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu xây dựng các liên minh nhằm kiềm chế sức mạnh đang mở rộng của Trung Quốc. Vào tháng 3, Biden cho biết ông đã đề xuất với thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm xây dựng một sáng kiến cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với BRI.

Kế hoạch này có thể nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tổ chức tại Anh. Nhóm G7 đã mời các đối tác từ Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc tham dự. Nhóm này bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý và Canada.