VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»ExxonMobil có thể từ bỏ các dự án khí ở Việt Nam và Mozambique

ExxonMobil có thể từ bỏ các dự án khí ở Việt Nam và Mozambique

10:44 - 22/10/2021

Đối mặt với áp lực giảm lượng phát thải carbon, ExxonMobil cân nhắc từ bỏ một số dự án dầu khí lớn, bao gồm Cá Voi Xanh ở Việt Nam và Rovuma ở Mozambique.

Theo nguồn tin từ Wall Street Journal, hội đồng quản trị của ExxonMobil đang tranh luận về việc có nên tiếp tục theo đuổi một số dự án dầu khí lớn. Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ đang xem xét lại chiến lược đầu tư của mình với những dự án có mức phát thải cao trong bối cảnh thị trường năng lượng thay đổi nhanh chóng.

Các thành viên của hội đồng quản trị bày tỏ lo ngại về một số dự án nhất định, bao gồm dự án phát triển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 30 tỷ USD ở Mozambique và một dự án khí trị giá khoảng 10 tỷ USD ở Việt Nam.

Các dự án ở Việt Nam và Mozambique nằm trong số những dự án có mức phát thải carbon cao nhất của ExxonMobil.

Các dự án ở Việt Nam và Mozambique nằm trong số những dự án có mức phát thải carbon cao nhất của ExxonMobil.

Giá dầu và khí đang ở mức cao nhất trong nhiều năm và thế giới đang thiếu nhiên liệu hóa thạch khi các nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Nhưng những dự án khổng lồ trên cần nhiều năm mới sản xuất được nguồn cung, và thêm nhiều năm nữa mới hoàn vốn đầu tư.

Các dự án của Việt Nam và Mozambique đã bị đình trệ trong một thời gian dài do những tranh chấp địa phương, cũng như chi phí cao và khí chua (loại khí khó xử lý hơn).

Exxon được cho là muốn thoái 64% cổ phần của mình tại dự án Cá Voi Xanh ở Việt Nam, sau khi không đạt được các điều khoản thương mại thỏa đáng với Chính phủ Việt Nam sau nhiều năm đàm phán. Hơn nữa, mỏ Cá Voi Xanh khổng lồ, chứa khoảng 150 tỷ m3 khí, khó phát triển vì không có thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nào gần mỏ, nằm ngoài khơi miền Trung.

Mỏ này được Exxon và các đối tác phát hiện vào năm 2011, cách bờ biển khoảng 80 km nhưng vẫn chưa phát triển. Khí dự kiến được đưa qua đường ống dẫn đến các nhà máy điện trên bờ theo quy hoạch. Các quan chức Việt Nam cho biết dự án sẽ tạo ra doanh thu 20 tỷ USD cho chính phủ. Tuy nhiên, việc mỏ khí này gần vùng biển tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình.

Dự án ở Mozambique, được gọi là Rovuma, khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ ngoài khơi bờ biển của quốc gia phía nam châu Phi này, sau đó làm lạnh khí thành trạng thái lỏng tại một nhà máy trên bờ để xuất khẩu đi khắp thế giới. Đây là một trong những dự án lớn nhất trong danh mục đầu tư của Exxon và vị trí gần Ấn Độ có thể mang lại cho công ty cơ hội xuất khẩu khí đốt sang một thị trường đang phát triển nhanh.

Nhưng Mozambique thiếu cơ sở hạ tầng và đang có xung đột với lực lượng phiến quân có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo, đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người. Vào tháng 3, TotalEnergies SE tạm dừng xây một dự án khí đốt trị giá 20 tỷ USD ở đó sau khi bạo lực nổ ra gần địa điểm xây dựng. Exxon đã chi 2,8 tỷ USD để mua lại cổ phần của dự án Rovuma nhưng trì hoãn quyết định đầu tư cuối cùng trong vài năm gần đây. Exxon chưa tiết lộ ước tính chính xác về chi phí của dự án. Mozambique ước tính nó vào khoảng 27 tỷ đến 33 tỷ USD.

Cuộc thảo luận về các dự án ở Mozambique và Việt Nam là một phần của đợt đánh giá kế hoạch chi tiêu 5 năm của ExxonMobil, mà hội đồng quản trị sẽ bỏ phiếu vào cuối tháng này.

Hội đồng quản trị Exxon cân nhắc số phận của các dự án tương lai khi đang phải đối mặt với áp lực từ nhà đầu tư trong việc hạn chế rót vốn vào nhiên liệu hóa thạch để giảm lượng khí thải carbon và giữ lại nhiều tiền mặt hơn cho cổ đông. Những nhà bảo vệ môi trường và một số quan chức chính phủ cũng đang gây áp lực buộc công ty phải sản xuất ít dầu và khí đốt hơn.

ExxonMobil cũng đang phân tích lượng khí thải carbon dự kiến ​​từ mỗi dự án và mức độ ảnh hưởng của chúng đến khả năng đáp ứng các cam kết cắt giảm khí thải, báo cáo cho biết. Theo phân tích nội bộ của Exxon, mức phát thải dự kiến ​​hàng năm từ các dự án ở Mozambique và Việt Nam vào hàng cao nhất trong những dự án dầu khí theo kế hoạch của công ty.

Phản hồi với bài báo của Wall Street Journal, một người phát ngôn của ExxonMobil cho biết qua email: “Giọng điệu và nội dung của bài báo là sai”, nhưng không nêu chi tiết.

1 bình luận
    Bình luận của bạn