VNReport»Kinh tế»Tài chính»G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu

G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu

11:57 - 06/06/2021

Mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu được các nước G7 ủng hộ là 15%.

Mỹ, Anh và các nền kinh tế phát triển lớn khác đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào hôm thứ Bảy nhằm thu nhiều thuế hơn từ các công ty đa quốc gia như Amazon và Google và giảm động lực chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp này sang các thiên đường thuế.

Hàng trăm tỷ USD có thể chảy vào kho tài chính của các chính phủ đang thiếu tiền do đại dịch Covid-19 sau khi Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) đồng ý ủng hộ mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15%.

“Các bộ trưởng tài chính G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số toàn cầu”, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết sau khi chủ tọa cuộc họp 2 ngày ở London.

Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak chủ tọa cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 tại London, Anh.

Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak chủ tọa cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 tại London, Anh.

Cuộc họp, được tổ chức tại một dinh thự gần Cung điện Buckingham ở trung tâm London, là lần đầu tiên các bộ trưởng tài chính gặp mặt trực tiếp kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết “cam kết quan trọng, chưa từng có tiền lệ” sẽ kết thúc điều mà bà gọi là cuộc chạy đua tới đáy về thuế toàn cầu. Trong khi đó, bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận này là “tin xấu đối với các thiên đường thuế trên khắp thế giới”.

Các bộ trưởng cũng đồng ý tiến tới việc yêu cầu các công ty tuyên bố tác động môi trường của họ theo cách tiêu chuẩn hơn để các nhà đầu tư có thể quyết định có nên tài trợ cho họ hay không, một mục tiêu quan trọng của Anh.

Các quy tắc thuế toàn cầu hiện tại có từ những năm 1920 và gặp khó với những gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia bán dịch vụ từ xa, khi các doanh nghiệp này quy phần lớn lợi nhuận của họ cho tài sản trí tuệ được nắm giữ trong các khu vực pháp lý có mức thuế thấp.

Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook và cựu phó thủ tướng Anh, cho biết: “Chúng tôi muốn quá trình cải cách thuế quốc tế thành công và nhận thấy điều này có thể có nghĩa là Facebook phải trả nhiều thuế hơn, và ở những nơi khác nhau”.

Nhưng Ý, quốc gia sẽ tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn của quốc tế tại cuộc họp của G20 ở Venice vào tháng tới, cho biết các đề xuất này không chỉ nhằm vào các công ty Mỹ.

Yellen cho biết các nước châu Âu sẽ bãi bỏ các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số hiện tại mà Mỹ cho rằng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Mỹ khi các quy tắc toàn cầu mới có hiệu lực. “Có một sự đồng ý rộng rãi rằng hai điều này đi đôi với nhau”, bà nói.

Các chi tiết chính vẫn sẽ tiếp tục được thương lượng trong những tháng tới. Thỏa thuận hôm thứ Bảy cho biết chỉ “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất” mới bị ảnh hưởng. Các quốc gia châu Âu đã lo ngại rằng điều này có thể loại trừ Amazon – công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ – nhưng Yellen cho biết bà kỳ vọng Amazon sẽ chịu ảnh hưởng của thỏa thuận mới.

Cách chia sẻ doanh thu thuế chưa được quyết định và bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ cần phải thông qua Quốc hội Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông sẽ thúc đẩy mức thuế tối thiểu cao hơn, gọi 15% là “điểm khởi đầu”.

Một số nhóm vận động cũng lên án điều họ cho là thiếu tham vọng. Người đứng đầu chính sách bất bình đẳng của Oxfam, Max Lawson, cho biết: “Họ đang đặt ra ngưỡng thấp đến mức các công ty có thể bước qua nó”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng vì mức thuế 12,5%, cho biết bất kỳ thỏa thuận toàn cầu nào cũng cần tính đến các quốc gia nhỏ hơn.

G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada.

1 bình luận
    Bình luận của bạn