VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»GDP quý III tăng tốc nhưng vẫn kém mục tiêu

GDP quý III tăng tốc nhưng vẫn kém mục tiêu

12:10 - 29/09/2023

Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33% và tăng trưởng 9 tháng đạt 4,24%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn trong quý III, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tổng cục Thống kê cho biết GDP từ tháng 7 đến tháng 9 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc so với con số 4,05% trong quý II. Dữ liệu quý trước được điều chỉnh thấp hơn ước tính ban đầu là 4,14%.

Quý III năm ngoái, nền kinh tế tăng trưởng 13,71% nhờ sự phục hồi sau khi các hạn chế xã hội thời kỳ đại dịch khiến GDP quý III/2021 giảm 6%.

Mục tiêu tăng trưởng năm nay mà Chính phủ đặt ra là 6,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 8,02% đạt được năm ngoái. Nhưng mục tiêu này có vẻ khó đạt được khi GDP 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ, thấp hơn tất cả các năm từ 2011 đến trước đại dịch. Trong những năm đó, nền kinh tế thưởng tăng trưởng hàng năm khoảng 6-7%.

Ngày 27/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay đạt 4,7%. Hồi tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á hạ dự báo tăng trưởng xuống 5,8% từ mức 6,5% vào tháng 4.

Trong nửa đầu năm nay, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nhu cầu toàn cầu yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện tử, dệt may và giày dép khiến các doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất.

Dữ liệu tăng trưởng mới nhất cho thấy nền kinh tế đang trong “xu hướng tích cực”, Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2023. Trong tháng 9, sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tháng tăng trưởng thứ 5 liên tiếp, trong khi xuất khẩu tăng 4,6%, chấm dứt chuỗi giảm 6 tháng liên tiếp. Doanh số bán lẻ tăng 7,5% và giá tiêu dùng tăng 3,66%.

Các dữ liệu kinh tế cho thấy sự cải thiện khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc ổn định hơn và kinh tế Mỹ trong năm nay tích cực hơn dự báo. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 8 của Việt Nam vượt 50 lần đầu tiên trong 6 tháng

Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong khi doanh số bán lẻ tăng 9,7%. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 8,2% xuống 259,67 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 13,8% xuống 237,99 tỷ USD. Thặng dư thương mại là 21,68 tỷ USD.

Trong một báo cáo tuần trước, Standard Chartered cho biết sự phục hồi kinh tế vẫn chưa chắc chắn và hoạt động sản xuất có thể mờ nhạt trong một thời gian. Triển vọng cải thiện đầu tư nước ngoài vẫn chưa rõ ràng. Chuyên gia kinh tế Tim Leelahaphan của Standard Chartered cho biết: “Với sự phục hồi kinh tế bắt đầu có đà, sẽ ít cần hỗ trợ chính sách tiền tệ hơn”.

Những đợt cắt giảm lãi suất của NHNN cùng với nhu cầu toàn cầu suy yếu dẫn đến tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Trong tuần qua, NHNN đã phát hành 70 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày để hấp thụ thanh khoản và ổn định tỷ giá, theo SSI Research. Tiền đồng mất khoảng 3% giá trị so với USD trong năm nay.