VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giả danh shipper, chiêu lừa đảo cực tinh vi rình rập người mua online

Giả danh shipper, chiêu lừa đảo cực tinh vi rình rập người mua online

13:54 - 21/08/2024

Đến shipper cũng bị lợi dụng, người mua online cần cẩn thận

Thương mại điện tử bùng nổ với đa dạng mô hình bán hàng online cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngoài sự tiện lợi còn ẩn chứa nhiều rủi ro với những chiêu trò lừa đảo tinh vi từng những người tự xưng là shipper. Những ngày gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều cảnh báo của người tiêu dùng đã “sập bẫy” lừa đảo của các shipper giả danh này.

Chia sẻ trên Tạp chí Điện tử Người đưa tin, chị Ngọc Ngân (Hà Nội) cho biết, khoảng 11h ngày 6/8/2024, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +84392321931 tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo chị có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển 275.000 đồng vào tài khoản 058010001 tại ngân hàng VIB. Chị Ngân không mảy may nghi ngờ mà thanh toán luôn, sau khi chuyển tiền thành công chị lại tiếp tục nhận được tin nhắn từ shipper cho biết do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản.

Đồng thời, người tự nhận là shipper này cũng gửi kèm cho chị một đường link nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Đối tượng liên tục gọi điện thúc giục chị Ngân vào link trên để nhắn tin hủy đăng ký: “Chỉ mất 3 đến 5 phút thôi ạ. Chị hủy giúp em với. Không hàng tháng bên em lại khấu trừ số tài khoản chị đó”.

Shipper “tự xưng” liên tục gọi điện thúc giục

Nhận thấy có điều bất thường, chị Ngân đã ngay lập tức dừng lại và xóa hết tin nhắn để tránh không bấm vào đường link xấu. Chị cũng chia sẻ: “Đến lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa. Nếu không tỉnh táo dừng lại ngay mà bấm vào đường link thì có lẽ tôi sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Các chiêu lừa liên tục thay đổi cách thức khó lường và rất tinh vi”.

Thực tế, “shipper tự xưng” lừa đảo người tiêu dùng không phải là một hình thức lừa đảo trực tuyến mới, tuy nhiên, phương thức lừa đảo này chỉ mới xuất hiện gần đây. Trước đây, các “shipper tự xưng” thường sẽ lừa người mua hàng bằng phương thức báo đã giao hàng và yêu cầu chuyển khoản nhưng thực tế thì chưa có ai giao hàng. Tình trạng này cũng xuất phát từ việc thông tin đơn hàng bị rò rỉ qua ứng dụng giao hàng. Tuy nhiên, phương thức lừa đảo mới này lại khiến dễ dàng loại bỏ phòng bị của “con mồi” hơn, thủ đoạn tinh vi này sẽ khiến người tiêu dùng có nguy cơ mất tất cả số tiền tích luỹ trong thẻ.

Theo tổng kết trên tờ An ninh Thủ đô, thủ đoạn của các đối tượng thường là gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền COD (thanh toán khi nhận hàng). Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng ngay lập tức thông báo lại cho khách hàng do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản. Đồng thời, chúng cũng nhanh tay gửi đường link trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để khách hàng liên hệ hủy đăng ký hội viên. Nếu người dùng bấm vào đường link giả mạo trên và nhập các thông tin cá nhân sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.

Một trường hợp khác cũng tương tự, ngày 15/7 vừa qua, bạn Mai (sinh viên) cũng bị đối tượng giả danh shipper từ đơn vị vận chuyển Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) lừa 1 triệu đồng.

Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra nhiều khuyến cáo đến người tiêu dùng online. Theo đó, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán nhận hàng online. Đồng thời, luôn thực hiện xác minh thông tin liên quan đến các dịch vụ hoặc chương trình khuyến mãi trực tiếp với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức. Song hành với đó là tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ ai yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng hoặc trước khi đăng ký dịch vụ.

Đặc biệt lưu ý không truy cập vào các đường dẫn được đối tượng lạ gửi đến. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người tiêu dùng cần ngay lập tức báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Hãy cảnh giác, cẩn trọng và chủ động phòng ngừa trở thành người tiêu dùng thông thái nhé.

Theo: https://www.nguoiduatin.vn/chieu-tro-tinh-vi-cua-shipper-lua-dao-khien-nguoi-mua-online-sap-bay-204240820162153789.htm

https://www.anninhthudo.vn/gia-danh-shipper-de-lua-dao-chiem-doat-tai-san-post586565.antd