VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Giá đường tăng lên mức cao nhất trong 11 năm

Giá đường tăng lên mức cao nhất trong 11 năm

17:10 - 21/04/2023

Cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước tăng mạnh từ đầu năm.

Giá đường nhảy vọt do nhu cầu tăng cùng với triển vọng thời tiết xấu đi. Các nhà phân tích cho rằng mặt hàng này vẫn còn khả năng tăng giá hơn nữa.

Theo CNBC, giá hợp đồng tương lai đường thô những ngày gần đây tăng lên 24 cent/pound và đạt mức cao nhất trong 11 năm.

Girish Chhimwal – nhà phân tích về đường tại S&P – cho biết: “Các yếu tố cơ bản về đường khá lạc quan vì giá sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn và trung hạn”.

Giá đường tăng mạnh từ đầu năm.

Giá đường tăng mạnh từ đầu năm.

Giá đường tăng cao giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm. Đóng cửa phiên ngày 21/4, cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa có mức giá 16.350 đồng, tăng 13% trong năm nay. Cổ phiếu QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng tăng 22% từ đầu năm.

Giá đường cao có thể đến tay người tiêu dùng dưới dạng những lon nước giải khát và gói kẹo đắt đỏ hơn, theo John Stansfield – một nhà phân tích về đường tại DNEXT. Giá thực phẩm chế biến đang tăng trên toàn cầu khi giá sữa, bột ca cao, chi phí năng lượng và lao động cũng tăng lên, ông Stansfield cho biết thêm.

Giá đường tăng khi giới giao dịch lo ngại về sản lượng ở châu Á. “Trong những tuần gần đây, mùa ép mía ở châu Á bắt đầu kết thúc và có sự điều chỉnh giảm sản lượng lớn ở các nước sản xuất chính, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan”, ông Stansfield nói.

Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Đầu tháng 4, Hiệp hội Thương mại Đường Toàn Ấn Độ hạ ước tính sản lượng đường gần 3% cho niên vụ từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023. Hiệp hội chỉ ra nguyên nhân là mưa trái mùa ở Maharashtra – nơi chiếm hơn 1/3 sản lượng đường của cả nước.

Ông Stansfield nói thêm rằng sản lượng đường giảm cũng do vụ mùa củ cải đường ở châu Âu kém do diện tích gieo trồng giảm và hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè, cũng như nhu cầu tiếp tục phục hồi sau thời kỳ Covid.

Khoảng 80% sản lượng đường toàn cầu đến từ mía, theo Tổ chức Đường Quốc tế, trong khi 20% có nguồn gốc từ củ cải đường.

Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt có thể đẩy giá đường lên cao hơn nhiều.

Mặc dù Trung Quốc có khả năng sử dụng dự trữ quốc gia để giảm bớt áp lực cho thị trường toàn cầu, nhưng “rủi ro El Nino đối với triển vọng sản lượng của châu Á có thể áp đảo [điều này] trong trung hạn và đẩy giá cao hơn nhiều”, ông Chhimwal nói.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ, có 62% khả năng xảy ra hiện tượng El Nino từ tháng 5 đến tháng 6.

Tùy thuộc vào lượng mưa gió mùa châu Á, thị trường đường có khả năng trở nên “rất biến động” và chịu sự chi phối của thời tiết trong trung hạn.

Ở nước sản xuất đường nhiều nhất, Brazil, mưa cũng đang làm chậm thời điểm bắt đầu thu hoạch vào tháng 4. Vụ thu hoạch mía ở khu vực trung nam Brazil – chiếm 90% sản lượng cả nước – diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12 và thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ mức sản lượng này.

Nhưng “giá [đường] hiện đang cao đến mức ngay cả khi giá giảm đáng kể khi vụ thu hoạch của Brazil ra thị trường, giá vẫn có thể được coi là cao hơn mức lịch sử”, nhà phân tích hàng hóa Matthew Biggin của Fitch Solutions nói.

Một yếu tố khác đẩy giá cao hơn là quyết định bất ngờ gần đây của OPEC cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày. Điều đó khiến mía có xu hướng được chuyển sang dùng để sản xuất ethanol nhiều hơn, thay vì sản xuất đường, Fitch Solutions viết trong một báo cáo ngày 13/4.

“Quyết định của OPEC và xu hướng tăng giá dầu có thể sẽ giữ giá cao”, ông Biggin nói. Ngoài ra, việc các nước thúc đẩy yêu cầu nhiên liệu sinh học cao hơn đặt ra một mức sàn cho giá đường trong dài hạn.

Giá đường tăng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước có an ninh lương thực kém, đặc biệt là châu Phi, nơi mà mức tiêu thụ và nhu cầu nhập khẩu đường cao, ông Chhimwal cho biết.