VNReport»Kinh tế»Tài chính»Giá sản xuất ở Trung Quốc tăng nhanh nhất kể từ năm 1995

Giá sản xuất ở Trung Quốc tăng nhanh nhất kể từ năm 1995

16:36 - 15/10/2021

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng 10,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái khi khủng hoảng năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn.

Giá sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 1/4 thế kỷ qua khi giá than kỷ lục làm gia tăng áp lực lạm phát đối với các doanh nghiệp và nhà sản xuất.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 10,7% trong tháng 9 so với 1 năm trước đó, theo dữ liệu chính phủ, mức tăng cao nhất kể từ năm 1995. Vào tháng 8, PPI đã tăng 9,5%.

Giá hàng hóa toàn cầu và thiếu hụt năng lượng đẩy giá sản xuất ở Trung Quốc lên cao.

Giá hàng hóa toàn cầu và thiếu hụt năng lượng đẩy giá sản xuất ở Trung Quốc lên cao.

Giá hàng hóa toàn cầu lên cao đã đẩy giá sản xuất ở Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay. Đợt thiếu hụt than đá cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và dẫn đến việc chính phủ kêu gọi sản xuất nhiều than hơn.

Việc tăng giá sản xuất của Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ vào thời điểm lạm phát cao hơn ở Mỹ đang làm dấy lên lo ngại giữa các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, số liệu vẫn chưa phản ánh vào giá tiêu dùng ở Trung Quốc, chỉ tăng 0,7% trong tháng 9, thấp hơn so với tháng 8.

Ngoài khả năng lan tỏa sang người tiêu dùng Trung Quốc, giá sản xuất cũng làm dấy lên lo lắng về chi phí cao hơn cho lĩnh vực công nghiệp sản xuất của nước này, giúp thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau đại dịch nhưng hiện đang chịu áp lực do thiếu điện.

“Chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation) đang gia tăng ở Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới”, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết. “Mục tiêu đầy tham vọng về trung tính carbon gây áp lực liên tục lên giá hàng hóa, sẽ được chuyển cho các công ty hạ nguồn”.

Dữ liệu thương mại được công bố hôm thứ Tư cho thấy nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng 76% so với cùng kỳ vào tháng 9 khi nước này cố gắng giảm bớt tình trạng thiếu hụt dẫn đến việc cắt điện luân phiên tại các nhà máy và doanh nghiệp. Dữ liệu cũng cho thấy thương mại chưa bị ảnh hưởng bởi vấn đề năng lượng, với xuất khẩu tăng 28% tính theo USD so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9.

Chính phủ đối mặt với giá hàng hóa tăng sau khi công bố mục tiêu đạt được mức trung tính carbon vào năm 2060. Một cuộc họp cấp nhà nước vào tháng 5 do Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc chủ trì, tuyên bố rằng các công ty than quan trọng sẽ được “khuyến khích tăng sản lượng”, trong khi chính quyền ở Nội Mông đã yêu cầu tăng sản lượng trong tuần trước.

Sheana Yue, trợ lý kinh tế tại Capital Economics, nói rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu điện đang đẩy giá hàng tiêu dùng thành phẩm lên cao, đồng thời cho biết thêm rằng lạm phát giá sản xuất ở Trung Quốc “sẽ không ở mức cao như thế này trong thời gian dài”. “Không sớm thì muộn, giá than và kim loại nhiều khả năng sẽ giảm trở lại khi hoạt động xây dựng bất động sản chậm lại”, bà nói.

Ngoài tình trạng thiếu năng lượng, nền kinh tế Trung Quốc còn chịu áp lực từ sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản khổng lồ và khó khăn tài chính tại một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất của họ bao gồm Evergrande.