VNReport»Kinh tế»Gỡ bỏ các sản phẩm liên quan động vật hoang dã trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

Gỡ bỏ các sản phẩm liên quan động vật hoang dã trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

10:39 - 01/10/2024

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ban hành Công văn số 1341/TMĐT – QL, đề nghị các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng mạng xã hội kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ thông tin liên quan đến việc rao bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) và thiết bị săn bắt. Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp kỹ thuật và kiểm duyệt để đảm bảo việc quản lý hiệu quả những sản phẩm liên quan đến ĐVHD và thiết bị săn bắt trên các nền tảng của mình.

 

Ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.

Động vật hoang dã là những loài động vật sống tự nhiên trong môi trường hoang dã, không bị nuôi dưỡng hoặc quản lý bởi con người. Chúng sinh sống và phát triển trong các hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm rừng, đồng cỏ, sa mạc, biển, và các vùng nước ngọt. Động vật hoang dã thường có những đặc điểm và hành vi tự nhiên, giúp chúng tồn tại và thích nghi với môi trường sống của mình. Nó không chỉ là một phần quan trọng của tự nhiên mà còn có giá trị lớn về văn hóa, kinh tế.

Động vật hoang dã có giá trị lớn về mặt kinh tế

Việc buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã không những gây tổn hại đến hệ sinh thái mà còn đe dọa sự sống còn của nhiều loài. Do đó, trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ động vật hoang dã trở thành chủ đề nóng bỏng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đây cũng là mối bận tâm của các cấp, chính quyền nước ta.

Theo thông tin được công bố trên trang Bảo vệ Pháp luật, trong năm 2023, Việt Nam có ít nhất 204 vụ việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, liên quan đến ít nhất 30 loài bị xâm hại, trong đó các loài phổ biến nhất là tê tê, voi, rùa, hổ, tê giác và các loài khác như kỳ đà, cày, rắn, khỉ…với ít nhất 1.315 cá thể các loài ĐVHD và 15.744 kg sản phẩm ĐVHD bị bắt giữ. Trong đó, ngà voi và vảy tê tê là các sản phẩm ĐVHD có khối lượng bị thu giữ nhiều nhất (7,6 tấn ngà voi và 5,4 tấn vảy tê tê), trong khi rùa là loài có số lượng cá thể bị thu giữ nhiều nhất (215 cá thể).

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ với quy mô ngày càng lớn như hiện nay, sự đa dạng và tiện ích của các loại hình giao nhận vận chuyển và các loại hình thanh toán trực tuyến đã khiến hoạt động buôn bán ĐVHD trên các nền tảng trực tuyến có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng và tính đa dạng của sản phẩm.

Theo số liệu do Wildlife Conservation Society (WCS) – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có mục tiêu WCS là bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng trên toàn cầu ghi nhận, trong giai đoạn 2018-2022, tại Việt Nam có 98 vụ bắt giữ, xử lý có ghi nhận các đối tượng phạm tội sử dụng không gian mạng để quảng cáo, buôn bán trái pháp luật ĐVHD; và số vụ bắt giữ này nhìn chung tăng theo thời gian (15 vụ vào năm 2018; 13 vụ vào năm 2019; 18 vụ vào năm 2020; 16 vụ vào năm 2021 và 36 vụ vào năm 2022)

Trong bối cảnh này, việc gỡ bỏ các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Công văn số 1341/TMĐT – QL của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng nêu rõ rằng, việc rao bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, ngà voi, nanh răng hổ…, và các thiết bị bẫy, lưới, thiết bị dẫn dụ để bắt, tận diệt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim di cư đã làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, phát sinh rủi ro lây truyền dịch bệnh sang người và vật nuôi.

Chính vì thế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các thương nhân sở hữu các website/ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội thực hiện các chính sách bán hàng nghiêm cấm hoặc không hỗ trợ bán các sản phẩm từ động vật hoang dã, các loại thiết bị, công cụ săn bắt, tận diệt động vật hoang dã, chim di cư… Các đơn vị cần tiến hành rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên cả nền tảng website và ứng dụng của mình.

Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp kỹ thuật và kiểm duyệt để đảm bảo việc quản lý hiệu quả những sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã và thiết bị săn bắt trên các nền tảng của mình. Ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.

Theo: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/an-ninh-trat-tu/ngan-chan-toi-pham-buon-ban-dong-vat-hoang-da-tren-khong-gian-mang-159374.html

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-nghi-go-bo-thong-tin-lien-quan-den-viec-rao-ban-trai-phep-cac-san-pham-tu-dong-vat-hoang-da-796706