VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Grab cắt giảm 1.000 việc làm trong đợt sa thải đầu tiên kể từ năm 2020

Grab cắt giảm 1.000 việc làm trong đợt sa thải đầu tiên kể từ năm 2020

10:10 - 22/06/2023

CEO Anthony Tan cho biết đợt sa thải hàng loạt là “một bước đau đớn nhưng cần thiết” để tiết kiệm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh.

Tập đoàn công nghệ Grab Holdings có trụ sở tại Singapore sắp cắt giảm hơn 1.000 việc làm, công ty thông báo ngày 20/6. Con số này tương đương với 11% lực lượng lao động của tập đoàn. Việc sa thải nhằm tiết kiệm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh doanh nhiều thách thức.

“Tôi muốn làm rõ rằng chúng ta không làm điều này như một lối tắt để có lãi”, CEO Anthony Tan viết trong thông báo gửi cho nhân viên. “Trong vài năm qua, chúng ta đã kiên định quản lý chặt chẽ chi phí trong mọi lĩnh vực hoạt động và cải thiện hiệu suất của nền tảng”.

Số việc làm bị cắt giảm tương đương 11% lực lượng lao động của Grab.

Tính đến cuối năm 2022, Grab có 9.942 nhân viên, không bao gồm khoảng 2.000 nhân viên tại chuỗi cửa hàng tạp hóa Jaya Grocer của Malaysia mà Grab mua lại vào tháng 1 năm ngoái. Ông Tan không cho biết cụ thể những vị trí hay mảng kinh doanh nào sẽ bị ảnh hưởng.

Đây là đợt sa thải lớn đầu tiên của Grab kể từ năm 2020, khi công ty cắt giảm khoảng 360 việc làm để đối phó với đại dịch Covid-19.

Dù có hay không có đợt cắt giảm việc làm mới, ông Tan viết rằng Grab vẫn “đi đúng hướng” trên con đường hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh vào cuối năm nay.

Nhưng trên cơ sở lợi nhuận ròng, công ty gọi xe và giao đồ ăn vẫn còn lâu mới có lãi. Trong quý I/2023, công ty báo lỗ ròng 250 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào năm ngoái, tăng trưởng giao dịch trên nền tảng Grab đã chậm hơn.

“Mặc dù quan trọng, cột mốc lợi nhuận của chúng ta chỉ là một bước trong hành trình dài hơn”, ông Tan viết trong thông báo. “Trọng tâm của chúng ta là những gì xảy ra sau đó”.

“Thay đổi chưa bao giờ nhanh như thế này”, ông viết. “Công nghệ như Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chi phí vốn tăng lên, tác động trực tiếp đến bối cảnh cạnh tranh”.

“Chúng ta phải kết hợp quy mô của mình với khả năng thực thi linh hoạt và tiết kiệm chi phí, để chúng ta có thể cung cấp một cách bền vững các dịch vụ với giá cả phải chăng hơn và thâm nhập sâu hơn vào số đông”.

Được thành lập vào năm 2012, Grab khởi đầu là một nền tảng gọi xe, sau đó mở rộng sang giao đồ ăn và dịch vụ tài chính, phát triển thành công ty đứng đầu ở 8 thị trường Đông Nam Á, một phần nhờ vào các ưu đãi lớn cho người dùng và tài xế.

Tuy nhiên, kể từ khi lên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ vào tháng 12/2021, cổ phiếu Grab bị ảnh hưởng bởi một đợt bán tháo trên diện rộng khi giới đầu tư quay lưng lại với các công ty tăng trưởng cao nhưng thua lỗ, với lý do lãi suất tăng và kinh tế chậm lại. Giá cổ phiếu của Grab hiện thấp hơn khoảng 70% so với khi ra mắt thị trường.

Grab phản ứng bằng cách xoay trục từ việc liên tục mở rộng các dịch vụ trên “siêu ứng dụng” của mình sang tập trung nhiều hơn vào cải thiện lợi nhuận từ các mảng kinh doanh cốt lõi.

Ngay cả khi các đối thủ trong khu vực như Sea của Singapore và GoTo của Indonesia cắt giảm hàng nghìn việc làm năm ngoái, Grab chọn giảm tuyển dụng thay vì sa thải hàng loạt.

Hồi tháng 12, Grab đã thực hiện một loạt các biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm đóng băng gần như hoàn toàn việc tuyển dụng, không tăng lương các quản lý cấp cao, đồng thời cắt giảm ngân sách đi lại và chi phí kinh doanh khác.

Hôm thứ Ba, ông Tan cho biết công ty cần “những bước thay đổi cơ bản” trong mô hình hoạt động của mình. Ông viết: “Mục tiêu chính của bài tập này là tổ chức lại bản thân một cách chiến lược, để chúng ta có thể di chuyển nhanh hơn, làm việc thông minh hơn và cân bằng lại các nguồn lực trong danh mục kinh doanh của mình phù hợp với các chiến lược dài hạn hơn”.

“Do đó, việc tái cấu trúc là một bước đau đớn nhưng cần thiết, để đưa Grab đi đúng quỹ đạo hướng tới tương lai lâu dài hơn”, CEO Anthony Tan nói thêm.

Tags: