VNReport»Kinh tế»Tài chính»Gửi tiết kiệm ngân hàng nào nhận lãi cao nhất tháng 4?

Gửi tiết kiệm ngân hàng nào nhận lãi cao nhất tháng 4?

11:52 - 01/04/2025

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có nhiều biến động, việc lựa chọn gửi tiết kiệm ở đâu để nhận được mức lãi suất hấp dẫn nhất luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Sau chỉ đạo của nhà điều hành tiền tệ, 25 ngân hàng thương mại trong nước đã hạ lãi suất huy động từ 0,1 đến 1,05 điểm %/năm. Đặc biệt, mức lãi suất 6%/năm trên thị trường rất hiếm, chỉ còn vài ngân hàng niêm yết mức này.

Trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 3, LPBank đã giảm lãi suất huy động trực tuyến, đánh dấu lần giảm thứ hai trong tháng, sau khi đã điều chỉnh giảm 0,1 điểm %/năm cho kỳ hạn 18-60 tháng vào ngày 3/3. VPBank cũng giảm 0,1 điểm %/năm cho tất cả các kỳ hạn tiền gửi, cả tại quầy và trực tuyến.

Thực tế, trước đó, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 1,05 điểm %/năm tùy theo từng kỳ hạn. Một số ngân hàng như PGBank, VietABank, KienlongBank, Bac A Bank, Eximbank, LPBank, Nam A Bank, NCB, SHB, VCBNeo, VIB, Vikki Bank, MBV, BIDV, Techcombank, VietinBank, OCB, ABBank, và BAOVIET Bank thậm chí đã thực hiện nhiều lần giảm lãi suất. Cụ thể, ngân hàng Eximbank đã hạ lãi suất 4 lần, Kienlongbank 3 lần, và PGBank cùng LPBank 2 lần từ đầu tháng.

Thời điểm hiện tại, GPBank là ngân hàng duy nhất trả lãi suất trên 6%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng, trong khi Vikki Bank (trước đây là DongA Bank) cũng niêm yết lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng khác chỉ áp dụng mức lãi suất này cho các kỳ hạn dài hơn.

Dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục giảm

Năm 2023 và 2024 đã chứng kiến tình trạng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục tăng để thu hút tiền gửi. Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2025, áp lực lạm phát đã được kiểm soát, và chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng hơn, khiến các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất để cân đối chi phí vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Đặc biệt, sau chỉ đạo đạo từ Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra và kiểm tra các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, các các ngân hàng đồng loạt có động thái giảm lãi suất. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối tháng 2 đến nay, 20 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất, với mức giảm 0,1 điểm %/năm đến 0,9 điểm %/năm, tùy từng kỳ hạn và hình thức gửi tiền.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm và yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét sử dụng các công cụ quản lý như hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép khi cần.

Dự báo về tình hình lãi suất, chia sẻ với Báo điện tử Dân Trí, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Đồng thời nhà điều hành cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí và ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục giảm, nhưng mức giảm sẽ không nhiều. Việc tăng lãi suất được cho là khó khăn, trong khi lãi suất cho vay có thể giữ ổn định hoặc giảm nhẹ ở một số lĩnh vực ưu tiên.

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gui-tiet-kiem-ngan-hang-nao-nhan-lai-cao-nhat-thang-4-20250401013801535.htm