VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Hàn Quốc chi 200 tỷ USD để tăng dân số

Hàn Quốc chi 200 tỷ USD để tăng dân số

14:26 - 06/12/2022

Dù chính phủ Hàn Quốc nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng dân số nhưng kết quả đạt được không mấy khả quan.

Số liệu công bố mới đây cho thấy số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc có trong đời giảm xuống chỉ còn 0,79. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định và thậm chí còn thấp so với các quốc gia phát triển khác có tỷ lệ đang giảm, như Mỹ (1,6) và Nhật Bản (1,3).

Hệ quả của tỷ lệ sinh thấp là tháp dân số Hàn Quốc bị thu hẹp trong hai năm qua. Tháp dân số cho thấy dân số mới của đất nước (trẻ sơ sinh) ít đi theo từng năm, trong khi tỷ lệ người lao động mới cũng thấp. Điều này có nghĩa dân số Hàn Quốc có xu hướng già hóa. Các trường học đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, quân đội mở rộng điều kiện nghĩa vụ quân sự vì không tuyển đủ người. Số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm khiến lương hưu giảm theo.

Theo Dự báo dân số toàn cầu của Liên Hợp Quốc và dữ liệu từ Ngân hàng thế giới, Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới trong số các nền kinh tế có GDP bình quân đầu người từ 30.000 USD trở lên. Đến năm 2100, dự kiến dân số nước này giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.

Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học

Đứng trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng dân số. Vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ nước này đã chi hơn 200 tỷ USD để thúc đẩy tăng dân số trong 16 năm qua. Trong năm 2023, khoản trợ cấp hằng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi sẽ tăng từ 300.000 won lên 700.000 won (230 USD đến 540 USD) và đến năm 2024, con số này sẽ tăng lên 1 triệu won (770 USD).

Bất chấp những nỗ lực đó, bài toán tăng dân số của Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết vấn đề một cách triệt để. Nhiều người trẻ hàn Quốc vẫn tỏ ra khá thờ ơ với các chính sách này, bởi chính phủ Hàn Quốc đã đổi tên và hợp nhất các khoản trợ cấp, trong khi không có thêm lợi ích nào cho các bậc cha mẹ.

Bên cạnh những vấn đề về kinh tế, rào cản đối với việc sinh con tại Hàn Quốc còn mang bản chất xã hội. Điển hình như dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm không được cung cấp cho phụ nữ độc thân, phân biệt đối xử với các cặp vợ chồng trong quan hệ đối tác phi truyền thống hay những kỳ vọng, áp đặt của xã hội về nhiệm vụ sinh con của người vợ.

Người trẻ Hàn Quốc cũng đối mặt với áp lực xã hội, áp lực công việc kéo dài nhiều giờ và văn hóa tiếp rượu cấp trên, đồng nghiệp sau khi tan làm. Những vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng với phụ nữ đi làm. Các yếu tố đó khiến nhiều người không còn khát khao trở thành cha mẹ. Hơn một nửa thanh niên Hàn Quốc cho biết họ không muốn có con sau khi kết hôn.

Theo các chuyên gia, để cải thiện tình hình, chính phủ nên đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào chăm sóc trẻ em, mở rộng cơ hội việc làm cho thanh niên, khuyến khích nhập cư… chứ không chỉ dừng lại ở các khoản trợ cấp.