VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Hơn 10.000 doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long rời thị trường trong ba tháng

Hơn 10.000 doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long rời thị trường trong ba tháng

22:44 - 31/08/2021

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra khủng hoảng chưa từng có trên toàn khu vực miền Nam, đặc biệt là với các ngành chế biến nông, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 31/8, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, chỉ trong 3 tháng đã có hơn 10.000 doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long rời khỏi thị trường. Cụ thể, từ tháng 6-8, có gần 90% doanh nghiệp trên địa bàn tạm ngưng hoạt động, doanh thu quý II/2021 giảm chỉ còn từ 40-50%.

Chỉ trong 3 tháng đã có hơn 10.000 doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long rời khỏi thị trường

Trong vòng hai tháng qua, ở miền Tây đã có hơn 60.000 ca nhiễm Covid-19, tuy không nhiều so với Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương nhưng dịch bệnh đã xuất hiện rải rác ở cả 13 địa phương trong toàn vùng.

Các địa phương hiện đã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các Chỉ thị khác, dẫn đến tình trạng “đóng băng” trong sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long và các sản phẩm chủ lực là nông, thủy sản. Tôm, cá, trái cây đến vụ không thể không thu hoạch, cho dù thu hoạch được nhưng cũng rất khó để bảo quản.

Song có một khó khăn đối với doanh nghiệp tại địa phương này là vấn đề phối hợp giữa các địa phương trong vùng khi vẫn còn nhiều chính sách chồng chéo, tạo rào cản gây khó cho doanh nghiệp. 13 tỉnh, thành phố có 13 chỉ đạo khác nhau, trong khi quá trình sản xuất đến tiêu thụ phải lưu thông từ cánh đồng đến nhà máy mới ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế khu vực và vùng nguyên liệu sẽ khó có thể gây dựng lại trong một thời gian ngắn. Điều này có thể dẫn đến khủng hoảng về an ninh lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng kéo dài đến sau đại dịch.

VCCI Cần Thơ đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp về việc đáng lý cần ưu tiên cho những ngành sản xuất và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Song, thực thi việc này ở một số tỉnh đang làm rất chậm.

Trong khi tỉ lệ người lao động được tiêm vaccine rất thấp, mô hình “3 tại chỗ” không khả thi, nếu kéo dài sẽ gây hao tổn, không an toàn. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại chưa kịp thời khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao và phá sản là trong tầm tay.

Trước thực trạng đó, bên cạnh đề xuất khai thông lưu chuyển hàng hóa, các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long còn kiến nghị Chính phủ cần sớm có các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại.