VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Khi nào Việt Nam tiêm vaccine Covid-19 mũi 4

Khi nào Việt Nam tiêm vaccine Covid-19 mũi 4

22:29 - 11/04/2022

Một số nước trên thế giới triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 4. Bộ Y tế Việt Nam giao cho các đơn vị nghiên cứu để có hướng đề xuất.

Một số nước trên thế giới triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 4. Bộ Y tế Việt Nam đã giao cho các đơn vị nghiên cứu để có hướng đề xuất.

10 việc cần làm và cần tránh trước khi tiêm vắc xin COVID-19

Bộ Y tế Việt Nam nghiên cứu phương án tiêm vaccine mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay một số nước trên thế giới đã bắt đầu tiêm mũi 4, trong khi đó WHO chưa có hướng dẫn, khuyến cáo tiêm mũi 4. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này nên đã giao Bộ Y tế nghiên cứu. Bộ Y tế giao cho các đơn vị chuyên môn, trong đó Viện Pasteur TP HCM chủ trì cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, đồng thời tham khảo các nhà khoa học để có hướng dẫn sớm nhất, phù hợp nhất, đảm bảo tính an toàn cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã nhận được chỉ đạo của chính phủ và làm các thủ tục về vấn đề chuyên môn. Trước đó, vào tháng 3, Bộ Y tế họp chuyên gia về “sự cần thiết của tiêm vaccine mũi 4”, tham vấn WHO, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ. Ông Sơn cho hay: “Cơ bản các chuyên gia đồng thuận và Bộ sẽ triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đối tượng tiêm sẽ ưu tiên bảo vệ sớm nhóm có nguy cơ và sau đó tiêm đại trà.”

Về việc chưa cần tiêm đại trà, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết các nhà khoa học trên thế giới hiện nay khuyến cáo tiêm vaccine mũi 4 cho nhóm người nguy cơ cao, ví dụ nhóm suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, vì đây là nhóm dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3.

Theo Latimes, nghiên cứu đăng tải trên trang web khoa học medRxiv ngày 15/2, liều thứ 4 vaccine Covid-19 có thể khôi phục kháng thể ở mức quan sát được, nhưng không đáng kể. Bà Gili Regev-Yochay, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan, đồng tác giả nghiên cứu, nói: “Liều thứ ba thực sự quan trọng. Nhưng liều 4 sẽ không tác dụng nhiều với người trẻ, khỏe mạnh và không có nguy cơ cao nhiễm nCoV”.

Bên cạnh đó, liều thứ 4 được cho là kém hiệu quả với chủng Omicron. “Nhiều nghiên cứu cho rằng nên tiêm mũi 4, 5 bằng một loại vaccine mới, có thể phòng được các biến chủng của virus trong tương lai. Như vậy, mũi tiêm thứ 4 mới có giá trị và tránh sự tốn kém, lãng phí vaccine không cần thiết”, bác sĩ Phạm Quang Thái nói.

Bộ Y tế đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường – tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Trong thời gian này, Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine mũi 3 và tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.

Tại Canada, Ủy ban Tư vấn tiêm chủng quốc gia (NACI) Canada khuyến nghị các tỉnh và vùng lãnh thổ chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng mũi tăng cường thứ hai trong vài tuần tới. Đối tượng ưu tiên là người sống tại trung tâm dưỡng lão, người trên 80 tuổi…

Trong khi đó, các Bộ trưởng Y tế châu Âu cũng thúc giục chính phủ nước mình phê chuẩn việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 60 tuổi trở lên.

Các quan chức Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tiếp tục thảo luận về sự cần thiết của các mũi tiêm tăng cường bổ sung. Trước đó, Mỹ đã phê duyệt tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người có hệ miễn dịch suy yếu và những người từ 50 tuổi trở lên.

Tại châu Á, Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai vào tháng 3; Trong khi Singapore thông báo kế hoạch tiêm cho người từ 80 tuổi trở lên.