VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Khoảng 43% công suất phát điện của thủy điện toàn cầu là ở châu Á

Khoảng 43% công suất phát điện của thủy điện toàn cầu là ở châu Á

09:54 - 09/06/2023

Thời tiết khô hạn ở bắc bán cầu trong mùa hè này khiến sản lượng thủy điện giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng này.

Sự cố vỡ đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine tuần này khiến thế giới chú ý đến vai trò quan trọng của các đập thủy điện trong sản xuất năng lượng và những khó khăn mà nhiều nước phải đối mặt trong năm 2023 do thời tiết khắc nghiệt.

Vụ vỡ đập Kakhovka xảy ra sau khi đập này ghi nhận mực nước cao lịch sử trong những tuần gần đây. Nhưng phần lớn các hồ thủy điện toàn cầu lại gặp vấn đề ngược lại: mực nước cạn kiệt, làm suy giảm khả năng phát điện.

Ở Việt Nam, nhiều hồ thủy điện đang ghi nhận mực nước chết, khiến 11 nhà máy ở miền Bắc thủy điện phải dừng phát điện, theo Bộ Công Thương. Điều này gây ra tình trạng thiếu điện khi thủy điện là nguồn cung cấp điện lớn thứ hai của đất nước, sau nhiệt điện.

Ở Việt Nam, nhiều hồ thủy điện ghi nhận mực nước chết.

Ở Việt Nam, nhiều hồ thủy điện ghi nhận mực nước chết.

Sản lượng điện từ các nguồn thủy điện đã giảm ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ trong những tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, sản lượng điện từ thủy điện toàn cầu giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2022, do sản lượng của các nước sản xuất thủy điện chính gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ giảm, theo dữ liệu từ Ember.

Việc sản lượng thủy điện – một nguồn năng lượng không phát thải – giảm nghĩa là các nước này phải dựa nhiều hơn vào những nguồn năng lượng có thể điều động khác, chẳng hạn như khí đốt hoặc than đá, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và bổ sung cho năng lượng tái tạo gián đoạn.

Thời tiết nóng và khô ở một số khu vực trong mùa hè có thể làm giảm thêm tiềm năng sản xuất thủy điện và gây căng thẳng lớn hơn cho các lưới điện toàn cầu vốn đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho những thiết bị sử dụng nhiều điện như máy điều hòa không khí.

Khoảng 43% công suất phát điện của thủy điện toàn cầu là ở châu Á. Trung Quốc là nước sản xuất thủy điện số một thế giới, chiếm 30% công suất toàn cầu. Nhưng trong những tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy điện giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 do lượng mưa giảm và điều kiện khô, nóng tại các trung tâm thủy điện quan trọng ở tỉnh Vân Nam.

Ấn Độ – nước sản xuất thủy điện lớn tiếp theo của châu Á – chứng kiến sản lượng giảm gần 5% vào đầu năm 2023 so với đầu năm 2022, cũng do thời tiết khô, nóng.

Việt Nam – nước sản xuất thủy điện lớn thứ 9 – ghi nhận sản lượng giảm 10,5% trong quý đầu năm nay so với năm trước. Ở miền Bắc, nơi hạn hán nghiêm trọng nhất, công suất phát điện từ thủy điện tính đến ngày 6/6 chỉ bằng chưa đến 1/4 công suất lắp đặt, theo Bộ Công Thương.

Ngược lại, sản lượng thủy điện ở Nhật Bản tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu của Ember cho thấy.

Ở châu Âu – nơi chiếm 22% công suất thủy điện toàn cầu – Na Uy, Thụy Điển, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý ghi nhận tổng sản lượng thủy điện giảm khoảng 8% trong quý đầu tiên của năm 2023 so với năm 2022.

Mức sụt giảm sản lượng lớn nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ do hạn hán kéo dài, trong khi sản lượng ở Thụy Sĩ và Áo cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Vì thời tiết khô hơn bình thường, Mỹ ghi nhận sản lượng thủy điện giảm 17% trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng của Mexico cũng giảm 15% vì lý do tương tự.

Ngược lại, sản lượng thủy điện ở Mỹ Latinh có xu hướng cao hơn mức của năm trước, với Brazil – nước sản xuất thủy điện lớn thứ ba toàn cầu – ghi nhận sản lượng tăng khoảng 3,4% so với mức của năm 2022 và Colombia tăng khoảng 10%.

Nhìn chung, sản xuất thủy điện trên toàn thế giới khởi đầu kém trong năm 2023 và có khả năng sẽ tiếp tục xấu đi trong thời kỳ nóng nhất của mùa hè ở bắc bán cầu.