VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Kinh doanh kém, HĐQT Hòa Phát không nhận thù lao trong năm 2022

Kinh doanh kém, HĐQT Hòa Phát không nhận thù lao trong năm 2022

12:13 - 28/03/2023

Lợi nhuận của Hòa Phát giảm 76% trong năm 2022 do tình hình kinh doanh khó khăn của ngành thép.

Các thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát không nhận thù lao trong năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh doanh của đại gia thép sụt giảm mạnh trong khó khăn chung của ngành.

Sau khi nhận 118 tỷ đồng thù lao trong năm 2021, 8 thành viên HĐQT của Hòa Phát nhận 0 đồng thù lao trong năm ngoái, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. HĐQT của Hòa Phát gồm Chủ tịch Trần Đình Long, 3 Phó Chủ tịch, 3 thành viên HĐQT và 1 phụ trách quản trị.

Ông Trần Đình Long và các thành viên khác trong HĐQT của Hòa Phát không nhận thù lao trong năm 2022.

Ông Trần Đình Long và các thành viên khác trong HĐQT của Hòa Phát không nhận thù lao trong năm 2022.

Năm 2022 là một năm thất vọng đối với ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng. Trong mỗi quý III và quý IV, Hòa Phát đều ghi nhận lỗ gần 2.000 tỷ đồng – những quý thua lỗ đầu tiên của công ty kể từ năm 2008. Việc lỗ gần 4.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép giảm 76% so với năm 2021, xuống còn 8.400 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh kém của Hòa Phát và ngành thép đến từ nghiều nguyên nhân, bao gồm nhu cầu trong nước yếu vì thị trường bất động sản trì trệ. Nhu cầu thế giới cũng thấp vì Trung Quốc thực thi chính sách “zero Covid”, trong khi giá nguyên, nhiên liệu tăng cao vì chiến tranh Nga-Ukraine.

Mặc dù Hòa Phát giảm chi hơn 118 tỷ đồng cho thù lao HĐQT, nhưng chi lương và thưởng cho Ban Giám đốc tăng từ 3,89 tỷ đồng năm 2021 lên 5,26 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng 35%. Ban Giám đốc Hòa Phát hiện có 4 người, bình quân mỗi người nhận 1,3 tỷ đồng lương và thưởng trong năm ngoái, tương đương 110 triệu đồng/tháng.

Con số đó chỉ ở mức trung bình so với các doanh nghiệp niêm yết lớn hiện nay, và thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup hay Masan.

Ngoài ra, tổng thù lao, lương và thưởng cho các thành viên Ban Kiểm soát cũng tăng lên 2,24 tỷ đồng và chi cho các cán bộ quản lý chủ chốt khác là 2,6 tỷ đồng.

Năm 2023, dự báo khó khăn vẫn tiếp diễn, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng, giảm 5%.

Hòa Phát đang tiết kiệm nhiều khoản chi để dồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà cụ thể là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Năm 2022, tập đoàn chỉ chi 42,2 tỷ đồng trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi, không trích lập quỹ đầu tư phát triển, thù lao HĐQT hay thưởng ban điều hành. Hòa Phát cũng không có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Đầu năm nay, thị trường thép có một số dấu hiệu tích cực khi giá thép trong nước tăng 3 lần liên tiếp. Mặc dù vậy, mức tăng giá bán này vẫn không theo kịp chi phí nguyên, nhiên liệu, Hòa Phát cho biết trong báo cáo thường niên vừa công bố. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chịu chi phí tài chính lớn do lãi suất dự báo tiếp tục cao.