VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Mỹ mạnh bất ngờ trong nửa đầu năm 2023

Kinh tế Mỹ mạnh bất ngờ trong nửa đầu năm 2023

10:11 - 30/06/2023

Tình hình chi tiêu tiêu dùng và việc làm vẽ nên một bức tranh tích cực hơn dự kiến về nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh lãi suất tăng.

Dấu hiệu mới nhất về sức mạnh của thị trường lao động cho thấy sức chống chịu tốt hơn kỳ vọng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lãi suất tăng.

Ngày 29/6, dữ liệu chính phủ cho thấy số lượt sa thải giảm trong tuần trước và tăng trưởng kinh tế trong quý I mạnh hơn báo cáo ban đầu. Những dữ liệu khác cho thấy doanh số bán nhà mới, lượng mua hàng tiêu dùng lâu bền và niềm tin của người tiêu dùng đều tăng.

“Nếu bạn nhìn vào dữ liệu trong quý vừa qua, điều bạn thấy là tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, thị trường lao động thắt chắt hơn dự kiến và lạm phát cao hơn dự kiến”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết vào ngày 28/6 tại một hội nghị ở Bồ Đào Nha.

Thị trường việc làm ở Mỹ vẫn thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử.

Thị trường việc làm ở Mỹ vẫn thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử.

Điều này giải thích lý do tại sao hầu hết các quan chức của Fed dự báo sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, ông Powell nói. Fed đã tăng nhanh lãi suất trong hơn một năm qua để chống lạm phát bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế, mặc dù họ quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần đây nhất.

Vào đầu năm, nhiều nhà kinh tế dự báo sẽ xảy ra suy thoái vào giữa năm. Thực tế, người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, với lãi suất tăng và lạm phát cao. Nhưng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, ngay cả ở những lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường nhà ở. Trong tháng 5, doanh số nhà mới tăng hai con số, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích.

Carl Tannenbaum – nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust – nhận xét: “Chúng ta đã đánh giá thấp một cách có hệ thống khả năng chống chịu của nền kinh tế Mỹ”.

Ngày 29/6, S&P Global Market Intelligence dự báo GDP sẽ tăng trưởng 1,7 trong quý II, nâng từ mức 0,8% hồi đầu tháng này.

Hôm qua, Bộ Thương mại điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP quý I lên 2% từ ước tính ban đầu là 1,3%. Chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn là động lực thúc đẩy sự điều chỉnh này: tăng 4,2% trong quý I – tốc độ cao nhất kể từ giữa năm 2021, thời điểm phục hồi sau phong tỏa.

Trong 3 tháng đầu năm, người Mỹ vung tiền mua hàng tiêu dùng lâu bên như ô tô, với mức chi tiêu cho hàng hóa lâu bền tăng 16,3%. Chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng khá 3,2%.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 26.000 vào tuần trước xuống còn 239.000 (điều chỉnh theo mùa), sau một thời gian chỉ số này tăng nhẹ. Điều này cho thấy thị trường lao động vẫn rất thắt chặt.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp liên tục giảm 19.000 trong tuần kết thúc vào ngày 17/6 xuống còn 1,74 triệu. chỉ số này có xu hướng giảm kể từ đầu tháng 4, cho thấy những người tìm việc có thể nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Nhìn chung, thị trường lao động vẫn kiên cường bất chấp hành động của Fed. Các nhà tuyển dụng tạo thêm 339.000 việc làm (điều chỉnh theo mùa) trong tháng 5, nhiều nhất kể từ tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp lịch sử. Số cơ hội việc làm nhiều hơn hàng triệu so với số người tìm việc trong tháng 4.

Tình hình chi tiêu tiêu dùng và việc làm vẽ nên một bức tranh tương đối tích cực về nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Nền kinh tế vẫn khá khỏe mạnh và dường như vẫn còn một số động lực”, theo Nancy Vanden Houten – nhà kinh tế hàng đầu về Mỹ tại Oxford Economics. “Dự báo của chúng tôi vẫn là nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái nhẹ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ đến muộn hơn dự báo trước đây”.