VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong quý I

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong quý I

10:56 - 28/04/2023

Nhiều nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế sẽ chậm lại hơn nữa về cuối năm và rơi vào suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại trong quý I khi lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng, làm gia tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào cuối năm nay.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ theo năm 1,1% trong 3 tháng đầu năm (đã điều chỉnh lạm phát và theo mùa). Đây là mức giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 2,6% trong quý IV/2022 (được điều chỉnh hạ xuống so với ước tính ban đầu 2,9%).

Tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế – là một điểm sáng. Nhờ thu nhập cao hơn và tiết kiệm tích lũy, người tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng với lượng mua tăng đột biến đầu năm nay, mặc dù giảm bớt sau đó. Trong khi đó, các doanh nghiệp co lại khi giảm tồn kho, giảm mua sắm thiết bị và giảm đầu tư nhà ở.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế sẽ chậm lại hơn nữa về cuối năm và rơi vào suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục chiến dịch hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát. Erik Lundh – nhà kinh tế tại Conference Board – cho biết: “Cả các CEO và người tiêu dùng đều nhìn xung quanh và không kỳ vọng những điều tốt đẹp trong 6 đến 9 tháng tới”. Ông cho biết thêm rằng có bằng chứng cho thấy sự hạ nhiệt kinh tế bắt đầu từ cuối năm ngoái.

Fed đang cố gắng giảm tốc độ tăng trưởng xuống dưới xu hướng dài hạn khoảng 2%. Mặc dù điều đó đã xảy ra vào quý I, nhưng báo cáo cũng phản ánh nhu cầu vẫn còn khá mạnh, vì thị trường lao động vững chắc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Điều đó có thể khiến ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới. Trong một năm qua, Fed đã tăng lãi suất nhanh chóng, đưa lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên phạm vi từ 4,75% đến 5%.

Bộ Thương mại cho biết chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 3,7% trong quý đầu năm khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Đó là tốc độ nhanh nhất kể từ quý II/2021 và tăng từ 1% trong quý trước.

Chi tiêu của người tiêu dùng và tuyển dụng gần đây chậm lại cùng với những dấu hiệu khác của một nền kinh tế hạ nhiệt. Doanh số bán lẻ, doanh số bán nhà và sản lượng sản xuất đều giảm trong tháng trước.

Lạm phát vẫn ở mức cao. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – tăng với tốc độ theo năm 4,2% trong quý I, tăng tốc từ mức 3,9% trong quý IV và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Giới phân tích đang theo dõi xem liệu căng thẳng ngân hàng gần đây sau sự sụp đổ của hai ngân hàng hạng trung có dẫn đến các điều kiện cho vay bị thắt chặt hay không. Jan Groen – nhà kinh tế tại TD Securities – cho biết: “Việc thắt chặt nguồn cung tín dụng sẽ bắt đầu ảnh hưởng”.

Thị trường lao động vẫn tương đối mạnh trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế chung, mặc dù mức tăng việc làm đã giảm so với năm 2021 và 2022, ở đỉnh điểm của đợt phục hồi sau đại dịch.

Trong một báo cáo khác hôm thứ Năm, Bộ Lao động cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu – một chỉ số đại diện cho sa thải – tăng lên một chút so với tháng 1 nhưng vẫn thấp so với lịch sử. Chỉ tiêu này nhìn chung đang tăng trong những tháng gần đây sau một loạt các đợt sa thải trong ngành công nghệ, tài chính và các ngành khác.

Chi tiêu tiêu dùng là điểm sáng của nền kinh tế Mỹ trong quý I.

Chi tiêu tiêu dùng là điểm sáng của nền kinh tế Mỹ trong quý I.

Thị trường nhà ở – nhạy cảm với lãi suất tăng – tiếp tục là lực cản đối với nền kinh tế. Đầu tư nhà ở giảm 4,2% trong quý đầu tiên, nhưng cải thiện so với 2 quý trước.

Các doanh nghiệp giảm đầu tư vào thiết bị, chẳng hạn như xe tải, bếp nhà hàng và máy xay xát. Đầu tư thiết bị phi dân dụng giảm 7,3%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu đại dịch.

Việc các doanh nghiệp giảm hàng tồn kho đè nặng lên tăng trưởng. Khi các công ty chuyển sang sử dụng hàng tồn kho của mình, họ sẽ giảm sản xuất hoặc mua mới để đáp ứng nhu cầu. Thông thường, một khi hàng tồn kho giảm, sản lượng sau đó tăng lên khi các công ty tìm cách bổ sung hàng trên kệ.

Các doanh nghiệp cho biết đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tính toán lượng hàng tồn kho phù hợp.

Việc thắt chặt điều kiện tín dụng nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các công ty nhỏ vì họ không dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn khác như trái phiếu, theo Brian Bethune – giáo sư kinh tế tại Đại học Boston.