VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kinh tế Mỹ suy giảm

Kinh tế Mỹ suy giảm

09:27 - 29/04/2022

Gián đoạn nguồn cung gây áp lực lên nền kinh tế, bất chấp tín hiệu tích cực về chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nền kinh tế Mỹ suy giảm trong quý đầu năm 2022 do gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến sản lượng, mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực trong chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại nước này cho biết GDP giảm với tốc độ 1,4%, đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ so với mức tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021. Đây là quý kém nhất của kinh tế Mỹ kể từ mùa xuân năm 2020, khi các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến nước này rơi vào suy thoái sâu nhưng ngắn.

Sự sụt giảm bắt nguồn từ thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng. Nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh và xuất khẩu giảm, phản ánh những hạn chế trong chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch. Tốc độ đầu tư vào hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong quý đầu tiên chậm hơn – so với tốc độ tăng nhanh hàng tồn kho vào cuối năm ngoái – cũng kéo lùi tăng trưởng. Ngoài ra, chi tiêu kích thích liên quan đến đại dịch của chính phủ giảm dần cũng gây áp lực lên GDP.

Lạm phát ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình và triệt tiêu mức tăng lương của người lao động.

Lạm phát ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình và triệt tiêu mức tăng lương của người lao động.

Chi tiêu tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế – tăng với tốc độ 2,7% trong quý đầu tiên, tăng tốc nhẹ so với cuối năm ngoái. Các doanh nghiệp cũng đổ nhiều tiền hơn vào thiết bị và nghiên cứu, khiến chi tiêu kinh doanh tăng 9,2%.

Báo cáo GDP khó có khả năng thay đổi kế hoạch tăng lãi suất nhanh của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm nay, bao gồm cả việc tăng nửa điểm phần trăm tại cuộc họp 2 ngày vào tuần tới. Một lý do là báo cáo có thể làm tăng thêm lo ngại rằng nền kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh. Nhu cầu tư nhân trong quý đầu tiên tăng với tốc độ 3,7%, cao hơn nhiều so với tốc độ 1,8% mà Fed kỳ vọng ​​cho nền kinh tế chung trong dài hạn.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào thứ Năm, dẫn đầu là các cổ phiếu công nghệ, sau khi Meta – công ty mẹ của Facebook – công bố lợi nhuận ổn định bất chấp lạm phát cao.

Hai năm sau khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những thách thức, bao gồm gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine, tình trạng thiếu lao động và lạm phát cao.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế có thể chịu được lãi suất cao hơn và quay trở lại mức tăng trưởng khiêm tốn trong quý II và sau đó, một phần là do người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu.

Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ trong bối cảnh số ca Covid-19 giảm và các hạn chế đại dịch còn lại được dỡ bỏ. Du lịch là một ví dụ nổi bật: tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn của Mỹ ở mức 65,8% trong tuần kết thúc vào ngày 23/4, tăng từ 49,6% hồi cuối tháng 1, theo STR, một công ty phân tích và dữ liệu khách sạn toàn cầu. Số lượt đi máy bay cũng nhiều hơn sau làn sóng Omicron. Khoảng 2,1 triệu người đã đi qua các trạm kiểm soát sân bay vào cuối tháng 4, tăng so với 1,4 triệu người 3 tháng trước đó, theo Cục An ninh Giao thông Vận tải.

Về tương lai, các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát ước tính GDP tăng 2,6% trong quý IV/2022 so với một năm trước đó, bằng với mức tăng trưởng của năm 2019, nhưng thấp hơn nhiều mức 5,5% ghi nhận vào năm ngoái.

Thị trường lao động là một nguồn sức mạnh quan trọng hiện nay của nền kinh tế. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong lịch sử và giảm vào tuần trước xuống còn 180.000 do các nhà tuyển dụng cố gắng giữ nhân viên trong bối cảnh thiếu nguồn cung lao động. Các doanh nghiệp đang tích cực tuyển dụng và tăng lương để thu hút người lao động.

Tuy nhiên, lạm phát cao đè nặng lên sức mua của các hộ gia đình. Giá tiêu dùng tăng 8,5% trong tháng 3 so với một năm trước đó, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Lạm phát tăng cao đang triệt tiêu mức tăng lương của người lao động: thu nhập trung bình hàng giờ chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ.