VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt

Kinh tế Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt

15:21 - 30/08/2022

Trước hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn đang chứng tỏ sức chống chịu dẻo dai và tăng trưởng kinh tế không sụt giảm mạnh như dự báo trước đó.

Đi ngược với dự báo

Khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào cuối tháng 2, nhiều nhà phân tích Phố Wall dự báo nền kinh tế Nga sẽ sụp trong những tuần ngay sau đó. Bởi kể từ tháng 2, Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Một nửa trong số 580 tỷ USD dự trữ tiền tệ của Nga bị đóng băng và hầu hết các ngân hàng lớn của nước này bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Các nước châu Âu dừng việc mua dầu của Nga và các nhà tài phiệt cũng như quan chức Nga phải đối mặt với các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản…

Điều này đã làm kinh tế Nga rơi tự do trong giai đoạn đầu. Đồng ruble mất một phần tư giá trị so với USD. Thị trường chứng khoán Nga hoảng loạn, buộc cơ quan quản lý phải tạm ngừng giao dịch. Nhiều báo cáo ghi nhận nhiều người đang chuyển tài sản ra khỏi đất nước. Trong quý I, người nước ngoài đã rút đầu tư trực tiếp tại Nga lên đến 15 tỷ USD. Vào tháng 5/2022, lượng kiều hối từ Nga chảy đến Gruzia tính theo USD cao hơn 10 lần so với năm trước.

Kinh tế Nga vẫn chống chọi tốt giữa bão trừng phạt

Tuy nhiên, vượt lên trên những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, kinh tế nước Nga vẫn đứng vững và chống chọi tốt với “bão” trừng phạt. 6 tháng sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, kinh tế Nga đã không rơi vào suy thoái sâu như dự báo.

Việc các công ty phương Tây ồ ạt rút khỏi khỏi thị trường Nga được cho là sẽ gây ra sự hoảng loạn trong xã hội và dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng điều tương tự đã không xảy ra. Đóng băng khoản dự trữ ngoại hối 300 tỷ USD của Nga được cho là nhằm phá giá đồng rúp của nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng rúp của Nga mạnh lên so với USD và đồng euro lên 40%, hiện ở mức cao nhất 4 năm so với USD. Lạm phát của Nga từng chạm đỉnh 18% hồi tháng 4 thì giờ cũng đã chậm lại và được ngân hàng trung ương dự báo vào khoảng 12% – 15% năm nay.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga, trong đó bao gồm dầu mỏ, cũng tốt hơn dự báo. Các nhà phân tích của Phố Wall từng dự báo các biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu Nga của phương Tây có thể tác động nghiêm trong tới kinh tế Nga. Báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng 3 triệu thùng dầu Nga sẽ biến mất khỏi thị trường mỗi ngày kể từ tháng 4. Tuy nhiên, cảnh báo này đã không thành hiện thực khi Nga tìm được khách mua mới tại châu Á. Theo dữ liệu tháng 7 của Bloomberg, Nga vẫn xuất khẩu khoảng 7,4 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Các chuyên gia cũng từng dự báo ngành sản xuất và dịch của Nga đối mặt tương lai đen tối do tác động của các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của Nga sau khi giảm xuống còn 37,7 điểm vào tháng 3 đã hồi phục dần và đạt 52,2 điểm trong tháng 7. Điều này đồng nghĩa sức khỏe kinh tế của Nga đang khởi sắc.

Hồi tháng 3, ngân hàng JPMorgan dự báo GDP của Nga sẽ giảm 35% trong quý 2 so với quý đầu năm. Còn Goldman Sachs dự báo kinh tế Nga sẽ trải qua quý sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, GDP quý 2 của Nga chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiêu so với mức giảm khi đại dịch Covid-19 bùng phát (GDP quý 2/2020 giảm tới 7,4%).

Theo Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov, năm nay, GDP năm 2022 của Nga sẽ giảm dưới 3%. Vào năm 2023, mức suy giảm có thể xuống dưới 1%. Xu hướng này tạo điều kiện thuận lợi cho tăng thu nhập thực tế của người dân và tăng thu ngân sách trong năm tới tại Nga.

Ngọn lửa trừng phạt vẫn đang âm ỉ

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Yale, dù Nga nhiều lần khẳng định không bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh trừng phạt nhưng trên thực tế, các lệnh trừng phạt đã khiến nền kinh tế Nga phải trả giá đắt và nước này có khả năng phải đối mặt với một thời gian trì trệ kéo dài. Một nghiên cứu khác do Viện các Vấn đề An ninh và Quốc tế Đức công bố hồi tháng 6 cũng cho rằng kinh tế Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng dù ban đầu đã ổn định tốt khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Những suy đoán trên hoàn toàn có cơ sở khi lệnh cấm nhập dầu Nga của châu Âu sẽ có hiệu lực tháng 12 này. Khi đó, mỗi ngày sẽ có khoảng 2 triệu thùng dầu Nga bị “xếp xó”. Một phần số này có thể xuất sang châu Á. Nhưng các chuyên gia cho rằng nhu cầu của khu vực này không đủ lớn để hấp thụ hoàn toàn và Nga khó có thể duy trì mãi mức giảm giá để giữ thị trường.

Bên cạnh đó, dù lạm phát toàn cầu đang giúp lĩnh vực năng lượng của Nga, nhưng nó lại khiến người dân thiệt hại. Cũng như các nước châu Âu, Nga đã rơi vào khủng hoảng chi phí giá sinh hoạt trầm trọng hơn sau xung đột tại Ukraine.

Những lệnh trừng phạt về công nghệ cũng có thể gây tác động toàn diện đến triển vọng kinh tế dài hạn của Nga. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết xuất khẩu sản phẩm bán dẫn của toàn cầu sang Nga đã giảm 90% kể từ đầu xung đột. Việc này là đòn giáng lên sản xuất của mọi mặt hàng, từ xe hơi đến máy tính. Giới chuyên gia cho rằng nó sẽ càng khiến Nga tụt lại trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Ngoài ra, việc bị loại khỏi hệ thống SWIFT, dòng vốn FDI tháo chạy… sẽ khiến kinh tế Nga ngày càng suy kiệt trong dài hạn nếu Mỹ và phương Tây vẫn duy trì lệnh cấm vận này kéo dài. Và các lệnh trừng phạt sẽ giống một ngọn lửa âm ỉ cháy, hơn là bùng lên nhanh chóng.