VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Nga “tổn thương nghiêm trọng từ bên trong”

Kinh tế Nga “tổn thương nghiêm trọng từ bên trong”

12:12 - 07/12/2022

Trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, kinh tế Nga đang chịu tổn thương nghiêm trọng.

Theo số liệu mới nhất do Cơ quan thống kê Liên bang Nga công bố, GDP nước này giảm 4% trong quý III/2022 sau khi đã giảm 2% trong quý II. Xét về mặt kỹ thuật, kinh tế Nga đã chính thức rơi vào suy thoái. Trong khi đó, với sự gia tăng sức ép từ EU và Mỹ mà gần đây nhất là lệnh áp trần giá dầu Nga, nền kinh tế Nga dự báo còn suy thoái mạnh hơn trong năm tới.

Không chỉ là những con số thống kê, khó khăn đang lan tràn đến mọi ngóc ngách trong nền kinh tế Nga. Nền kinh tế quy mô 1.800 tỷ USD của Nga đã bị xé nhỏ kể từ tháng 2/2022 khi một phần nguồn lực chảy ra nước ngoài.

Xét về mặt kỹ thuật, kinh tế Nga đã chính thức rơi vào suy thoái

Theo dữ liệu của CNBC, 112.000 người Nga đã di tản sang Gruzia từ đầu năm nay. Từ tháng 2 đến tháng 10, giới nhà giàu Nga đã mang theo 1,4 tỷ USD vào quốc gia láng giềng, nhiều gấp 4 lần so với cả năm 2021.

Tính đến hết tháng 9/2022, công dân Nga cũng đã mở 45.000 tài khoản ngân hàng ở Georgia, gần gấp đôi số tài khoản do người Nga nắm giữ ở nước này. Số tiền mà người dân Nga gửi vào ngân hàng ở Georgia tương đương 59,6% dòng vốn nước ngoài vào Georgia chỉ trong tháng 10, tăng 725% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 1 đến 11 năm nay, có hơn 12.000 công ty của Nga đã được đăng ký thành lập tại Georgia, gấp hơn 13 lần so với năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cấp giấy phép cư trú cho 118.626 người Nga trong năm nay, trong khi 1/5 doanh số bán bất động sản nước ngoài năm 2022 ở Thổ Nhĩ Kỳ là của người Nga.

Trong khi đó, khối tiền mặt khổng lồ gồm các khoản dự trữ ngoại hối của chính phủ Nga gửi tại các ngân hàng châu Âu và tài sản của giới siêu giàu Nga tại nhiều nơi đã bị đóng băng, ước tính lên 1.000 tỷ USD.

Trong khi nguồn tiền đang không ngừng chảy ra nước ngoài, động lực tăng trưởng trong nước của Nga lại bị bóp nghẹt bởi “ma trận” lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu. Một trong những thế mạnh của Nga là lĩnh vực kinh tế công nghệ dân sự – quốc phòng bị tác động rất mạnh do không thể tiếp cận nguồn chip thế hệ mới do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đứng đầu.

Đặc biệt, ngành công nghiệp ô tô tại Nga chỉ còn duy trì sức sản xuất 36% so với trước chiến sự Nga- Ukraine; 90% khối lượng vi mạch, chất bán dẫn, hệ thống điều khiển tự động – những thành phần quan trọng nhất, đã bị phong tỏa.

Trong khi đó, giá dầu toàn cầu đang có xu hướng giảm; EU – khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga ngưng giao dịch hoàn toàn từ đầu năm 2023 còn cuộc chiến tranh với Ukraine không ngừng ngốn tiền của. Với tốc độ suy thoái kinh Nga ước tính 10% mỗi năm, kinh tế Nga khó có thể trụ vững, nhất là trong bối cảnh vướng vào cuộc chiến tranh tiêu hao chi phí khổng lồ.

Nhiều chuyên gia nhận định, khi kinh tế Nga bị kiệt quệ thì nước này sẽ buộc phải tìm cách ngừng cuộc chiến ở Ukraine. Tuy vậy, trong suốt hơn 9 tháng qua, xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và triển vọng đàm phán đi vào ngõ cụt.

Điện Kremlin ngày 6/12 cho biết họ đồng tình với Mỹ rằng đàm phán hòa bình ở Ukraine là cần thiết, nhưng không thấy khả năng hai bên ngồi vào bàn thương lượng lúc này. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói thêm Nga cần phải hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự trước khi bàn tới việc đàm phán với các đối tác.