VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc có thể không bao giờ trở thành nước giàu

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc có thể không bao giờ trở thành nước giàu

08:02 - 19/07/2023

Theo các nhà kinh tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể chỉ tăng trưởng 3-4%/năm hoặc rơi vào tình trạng giống như “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, khi Trung Quốc chưa trở thành nước thu nhập cao.

Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhiều, có thể khiến nước này không bao giờ trở thành một quốc gia thu nhập cao.

Cho dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 3-4% hàng năm hay rơi vào tình trạng giống như “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, Trung Quốc có vẻ sẽ gây thất vọng với giới lãnh đạo và giới trẻ của nước này cũng như kinh tế thế giới.

Giới lãnh đạo hy vọng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Trung Quốc với Mỹ. Thanh niên Trung Quốc đi học đại học để làm những công việc của một nền kinh tế tiên tiến. Châu Phi và Mỹ Latinh tin tưởng vào việc Trung Quốc mua hàng hóa của họ.

Desmond Lachman – một thành viên cấp cao tại Viện AEI – cho biết: “Ít có khả năng nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ trong vòng 1-2 thập kỷ tới”. Ông dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 3% – “cảm thấy giống như một cuộc suy thoái kinh tế” khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trên 20%. “Điều này cũng không tốt cho phần còn lại của nền kinh tế thế giới”, ông nói thêm.

Khi Nhật Bản bắt đầu trì trệ vào những năm 1990, nước này đã vượt mức GDP bình quân đầu người của các nền kinh tế thu nhập cao và gần bằng mức của Mỹ. Nhưng Trung Quốc hiện chỉ ở trên mức thu nhập trung bình.

GDP bình quân đầu người quy đổi PPP (sức mua tương đương). Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Reuters.

GDP bình quân đầu người quy đổi PPP (sức mua tương đương). Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Reuters.

Mức tăng trưởng quý II – 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái – thất vọng khi xét đến mức nền thấp do phong tỏa Covid-19 gây ra vào quý II/2022. Điều này gây áp lực lên giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra chính sách thúc đẩy kinh tế trong ngắn hạn và biện pháp khắc phục trong dài hạn. Dữ liệu nửa đầu năm cho thấy mức tăng trưởng cả năm sẽ đạt khoảng 5%, với tốc độ dự kiến chậm lại sau đó.

Nhưng tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc từng đạt trung bình khoảng 7% trong thập kỷ 2010 và hơn 10% những năm 2000.

Các nhà kinh tế không còn cho rằng tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân yếu là do tác động của đại dịch, thay vào đó đổ lỗi cho những vấn đề cơ cấu.

Chúng bao gồm sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản – chiếm 1/4 sản lượng kinh tế, sự mất cân đối lớn giữa đầu tư và tiêu dùng, núi nợ của các chính quyền địa phương, và sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản đối với xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân. Cuối cùng là lực lượng lao động và cơ sở người tiêu dùng của Trung Quốc đang thu hẹp lại trong khi nhóm người về hưu gia tăng.

“Vấn đề nhân khẩu học, cú hạ cánh cứng của lĩnh vực bất động sản, gánh nặng nợ của chính quyền địa phương, sự bi quan của khu vực tư nhân cũng như căng thẳng Trung-Mỹ không cho phép chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng trung và dài hạn”, theo Wang Jun – nhà kinh tế trưởng tại Huatai Asset Management.

Lối thoát

Trong một bài viết đăng ngày 4/7 trên một tạp chí của Đảng Cộng sản, Zheng Shanjie – chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia ­– có lần đề cập hiếm hoi đến bẫy thu nhập trung bình. Ông viết rằng Trung Quốc cần “đẩy nhanh xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại” để tránh bẫy. Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một nước đang phát triển không tiếp tục phát triển được lên thành nước thu nhập cao do chi phí gia tăng và mức độ cạnh tranh giảm sút.

Các nhà kinh tế cho rằng sự bùng nổ ngành ô tô điện của Trung Quốc là bằng chứng cho tiến bộ của nước này. Nhưng phần lớn khu vực công nghiệp của Trung Quốc không tiến bộ nhanh tương tự. Doanh số bán ô tô ở nước ngoài chỉ chiếm 1,7% xuất khẩu.

“Nhiều nhà quan sát xem xét một số công ty và nói, ồ, Trung Quốc có thể tạo ra tất cả những sản phẩm tuyệt vời này, vì vậy tương lai sẽ tươi sáng. Câu hỏi của tôi là: Chúng ta có đủ những công ty đó không?”, theo Richard Koo – nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura.

Giới chức Trung Quốc muốn tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng nhưng không có các bước cụ thể.

Giới chức Trung Quốc muốn tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng nhưng không có các bước cụ thể.

Các nhà hoạch định chính sách nói họ muốn tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng, mà không gợi ý về các bước cụ thể.

Juan Orts – nhà kinh tế về Trung Quốc tại Fathom Consulting – cho biết việc thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng có thể lấy mất nguồn lực từ việc hỗ trợ các nhà sản xuất hàng xuất khẩu. Điều này phần nào giải thích sự do dự đó. “Chúng tôi không nghĩ chính quyền sẽ cam kết đi theo con đường đó”, ông nói, đồng thời mô tả đó là “lối thoát” cho tình trạng kinh tế ảm đạm.

Thay vào đó, Trung Quốc thực hiện những bước đi khác. Chủ trương “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình khuyến khích giảm lương trong ngành tài chính và các lĩnh vực khác. Tình hình tài chính công của chính quyền địa phương xấu đi dẫn đến cắt giảm lương cho công chức, tạo ra một vòng xoáy giảm phát.

Zhao – quản lý tại một ngân hàng ở Bắc Kinh – cảm thấy cô sẽ không bao giờ giàu được: lương của cô không thay đổi qua nhiều lần thăng chức. Thay vì làm việc chăm chỉ, cô dự định nghỉ hưu ở độ tuổi 40 tại một thành phố nhỏ hơn và rẻ hơn. “Tôi đã bỏ lỡ kỷ nguyên vàng của ngành ngân hàng”, cô nói.

Nhiều nhà kinh tế kêu gọi chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn, lương hưu và trợ cấp thất nghiệp cao hơn, cùng các thành phần khác cho một mạng lưới an sinh xã hội để giúp người tiêu dùng tự tin tiết kiệm ít hơn.

Tháng này, cố vấn ngân hàng trung ương Cai Fang kêu gọi kích thích tiêu dùng, bao gồm cả thay đổi đối với giấy phép cư trú của Trung Quốc. Giấy phép này khiến hàng triệu người di cư từ nông thôn đến thành phố bị từ chối các dịch vụ công. Zhu Ning – phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải – cho biết cải thiện an sinh xã hội có thể khiến tốc độ tăng trưởng 3-4% trở nên bền vững hơn.

Cơ hội cuối

Ông Koo cho biết các vấn đề của Trung Quốc còn thách thức hơn so với Nhật Bản trước đây, và nước này phải nắm bắt “cơ hội cuối” để đạt được mức sống của các nước phát triển.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc đang trả nợ thay vì đi vay và đầu tư.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc đang trả nợ thay vì đi vay và đầu tư.

Theo đánh giá của ông, Trung Quốc đang có “sự suy thoái bảng cân đối tài chính”, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trả nợ thay vì đi vay và đầu tư. Ông nói rằng đây là cách khủng hoảng kinh tế bắt đầu và liều thuốc duy nhất là kích thích tài chính “nhanh chóng, đáng kể và liên tục”. Ông cho rằng điều này khó xảy ra do lo ngại về nợ của Trung Quốc.

Sau đó, ông cho biết các biện pháp kích thích phải hiệu quả và được bổ sung bằng thay đổi cho phép khu vực tư nhân thoát khỏi cái bóng của nhà nước, bao gồm cả thông qua quan hệ tốt hơn với các nước là nguồn đầu tư vào Trung Quốc.

Những biện pháp trên ngược với xu hướng gần đây của nước này. Trong những năm vừa qua, đầu tư cơ sở hạ tầng tạo ra nợ nhiều hơn là tăng trưởng.

Khi các nền kinh tế lớn cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn tham gia vào cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, mới nhất là về kim loại dùng trong chất bán dẫn. “Mỗi khi Mỹ công bố một chính sách chống Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc lại đưa ra một chính sách tương đương. Nhưng người Mỹ không ở trong bẫy thu nhập trung bình. Trung Quốc thì có”, ông Koo nói.

“Nếu người Trung Quốc không đạt được giấc mơ Trung Hoa của họ, có thể sẽ có 1,4 tỷ người không hạnh phúc, điều này có thể gây bất ổn”.