VNReport»Kinh tế»Kinh tế khởi sắc ngay sau mở cửa trở lại

Kinh tế khởi sắc ngay sau mở cửa trở lại

21:29 - 06/11/2021

Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy ngay khi được mở cửa trở lại, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều 6/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế – xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%; nhập siêu giảm mạnh so với 9 tháng.

Về thu, chi ngân sách nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2021 ước đạt 1.221 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán. Kịp thời bổ sung nguồn tiền cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ ngườI lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Về đầu tư phát triển, ước giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đế ngày 31/10 là hơn 257.387 tỷ đồng, đạt 55,5% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn trong nước đạt 60,89%.

Tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (gồm FDI) ước đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng, giải ngân vốn FDI ước đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đời sống người dân nhìn chung ổn định. Cụ thể đã hỗ trợ gần 24.560 tỷ cho trên 26 triệu người; 5,16 triệu lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 12.370 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công thấp, một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi, đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát…

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, trong đó đặc biệt tập trung xây dựng, hoàn thiện các chương trình phục hồi kinh tế.