VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu suy yếu mới

Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu suy yếu mới

16:25 - 30/06/2023

Khu vực sản xuất thu hẹp trong tháng thứ ba liên tiếp. Các chỉ số về khu vực phi sản xuất, việc làm và xây dựng cũng giảm trong tháng 6.

Bằng chứng về sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuất hiện, đặt ra câu hỏi liệu những động thái hỗ trợ gần đây của Bắc Kinh có đủ để đảo ngược tình thế.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/6, khu vực sản xuất của nước này thu hẹp tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 6 và khu vực phi sản xuất cũng suy yếu. Số lượng đơn hàng mới giảm trong cả hai khu vực. Việc làm cũng đi xuống, một dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu việc làm dai dẳng – đặc biệt là đối với thanh niên – đang trở nên tệ hơn.

“Dữ liệu nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các quan chức nới lỏng hơn nữa nền kinh tế”, theo Louise Loo, một nhà kinh tế về Trung Quốc tại Oxford Economics. “Thành phần thương mại của nền kinh tế đã thực sự xấu đi”.

Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ đe dọa tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nước này nếu không có cải cách quyết liệt. Chúng bao gồm gánh nặng nợ chồng chất, tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên và thị trường bất động sản không còn đà tăng trưởng. Căng thẳng địa chính trị cũng thúc đẩy nhiều nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Xu hướng này có thể giảm bớt vai trò của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.

Dữ liệu ngày 30/6 là bằng chứng mới nhất cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn bất ổn.

Dữ liệu ngày 30/6 là bằng chứng mới nhất cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn bất ổn.

Dữ liệu ngày 30/6 là bằng chứng mới nhất cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn bất ổn, nhiều tháng sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa hạ nhiệt trong bối cảnh lạm phát cao ở nhiều nước khác. Ở trong nước, đà phục hồi dựa vào chi tiêu tiêu dùng đang mất đà.

Cục Thống kê Quốc gia cho biết chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tăng nhẹ lên 49 trong tháng 6 so với 48,8 trong tháng 5, nhưng không đủ để vượt qua 50 – mốc phân tách giữa mở rộng và thu hẹp. Một chỉ số phụ về việc làm giảm xuống 48,2 trong tháng 6, giảm tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy căng thẳng tiếp tục gia tăng trên thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động từ 16 đến 24 tuổi tăng lên mức kỷ lục 20,8% trong tháng 5, một phần do việc làm giảm trong khu vực sản xuất.

Trung Quốc cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu trong thương mại toàn cầu bằng cách giảm thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu và cho phép đồng nhân dân tệ mất giá. Tuy nhiên, nhu cầu từ nước ngoài tiếp tục giảm. Chỉ số phụ về số đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 46,4.

Ngay cả PMI của lĩnh vực dịch vụ – động lực chính cho đợt phục hồi sau đại dịch – cũng giảm trong tháng 6 xuống 52,8 từ 53,8 trong tháng 5. Đó là con số thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Chỉ số việc làm trong khu vực phi sản xuất đạt 46,8, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp giảm. Chỉ số đơn đặt hàng mới, ở mức 49,5, giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Một chỉ số phụ khác theo dõi hoạt động xây dựng giảm xuống 55,7 trong tháng 6 từ 58,2 trong tháng 5, mức thấp nhất trong 6 tháng, khi đợt phục hồi ngắn trong lĩnh vực nhà ở tiếp tục kém đi.

Những dữ liệu này đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của động thái hỗ trợ kinh tế khiêm tốn gần đây của Bắc Kinh, bao gồm giảm lãi suất, giúp chi phí đi vay rẻ hơn nhưng không giải quyết vấn đề cơ bản khiến người dân và doanh nghiệp ít có nhu cầu vay vốn. Các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh chưa muốn bơm một lượng lớn tín dụng vào nền kinh tế vì nhu cầu vay vốn yếu đi khi nhiều hộ gia đình và công ty chuyển sang trả nợ thay vì chi tiêu và đầu tư mới.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tung ra gói kích cầu bằng chi tiêu công, như nước này từng làm để giải cứu nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Hỗ trợ tài chính suy yếu ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng”, các nhà kinh tế từ Capital Economics viết trong một báo cáo gửi khách hàng ngày 30/6. “Thậm chí cả tăng trưởng của ngành dịch vụ, một điểm sáng hồi đầu năm nay, hiện đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch”.

Giới phân tích hầu hết vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 5% – mục tiêu thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này có thể khiến Bắc Kinh không đưa ra biện pháp hỗ trợ lớn nào. Nhưng theo Capital Economics, sự suy yếu hiện tại có thể có tác động lâu dài lên nền kinh tế.