VNReport»Kinh tế»Kinh tế Trung Quốc tăng 3% năm 2022, chậm thứ hai trong 46 năm

Kinh tế Trung Quốc tăng 3% năm 2022, chậm thứ hai trong 46 năm

15:48 - 17/01/2023

Triển vọng năm 2023 được cải thiện nhờ sự nới lỏng các hạn chế Covid-19.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với một trong những tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái, khi những đợt phong tỏa lặp đi lặp lại gây khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đây là bằng chứng về thiệt hại của chính sách zero-Covid mà Bắc Kinh đột ngột từ bỏ vào cuối năm 2022.

Hôm thứ Ba, Cục Thống kê Quốc gia cho biết nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong năm ngoái, giảm mạnh so với tốc độ 8,1% được ghi nhận vào năm 2021. Ngoại trừ năm 2020 – khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,2% – năm 2022 là năm tồi tệ nhất đối với tăng trưởng GDP ở Trung Quốc kể từ năm 1976, năm mà cái chết của Mao Trạch Đông kết thúc một thập kỷ xung đột được biết đến là Cách mạng Văn hóa, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Các nhà kinh tế kỳ vọng sự phục hồi nhờ vào tiêu dùng của Trung Quốc trong năm nay sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.

Các nhà kinh tế kỳ vọng sự phục hồi nhờ vào tiêu dùng của Trung Quốc trong năm nay sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.

Việc dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế y tế công cộng ở Trung Quốc sau gần 3 năm cố gắng dập tắt ngay cả những đợt bùng phát virus nhỏ nhất được cho là sẽ tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế vào năm 2023. Các nhà kinh tế kỳ vọng sự phục hồi nhờ vào tiêu dùng của Trung Quốc trong năm nay hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu khi Mỹ và Châu Âu có thể rơi vào suy thoái.

Việc nới lỏng các hạn chế y tế là một phần trong quá trình thiết lập lại chính sách tổng thể ở Trung Quốc nhằm phục hồi nền kinh tế. Bắc Kinh cũng đã đưa ra tín hiệu chấm dứt việc kiểm soát các công ty công nghệ, nới lỏng quy định khắt khe đối với lĩnh vực bất động sản và dỡ bỏ lệnh cấm đối với than của Úc.

Chưa rõ mức độ phục sẽ mạnh mẽ đến mức nào khi mà nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng trong nước giảm sút sau 3 năm thường xuyên phong tỏa. Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng vết sẹo do đại dịch gây ra – những việc làm bị mất và doanh nghiệp phải đóng cửa – có thể cần thời gian để chữa lành.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng phải đối mặt với một loạt thách thức dài hạn, bao gồm sự đối đầu ngày càng lớn với Mỹ và tình trạng nhân khẩu học xấu đi nhanh chóng. Số liệu mới hôm thứ Ba cho thấy dân số Trung Quốc giảm vào năm 2022 lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 1960 vì tỷ lệ sinh lao dốc trong nhiều năm qua.

Sự thay đổi xu hướng dân số sẽ khiến việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, gây nguy hiểm cho mục tiêu của Bắc Kinh là vượt qua vùng thu nhập trung bình và vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1976.

Kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1976.

Trung Quốc cũng đang đối mặt với làn sóng Covid-19 lớn sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch, với số ca nhiễm được cho là lên tới hàng trăm triệu người và khoảng 60.000 người chết theo dữ liệu của nhà chức trách. Các nhà kinh tế cho rằng sự phục hồi chỉ xảy ra sau một vài tháng khó khăn khi Covid-19 quét qua cả nước, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh tế.

Kết quả kinh tế tồi tệ như vậy không phải là điều mà nhiều người dự báo vào đầu năm ngoái. Bắc Kinh – dự đoán rằng chính sách kiểm soát Covid của mình sẽ tiếp tục có hiệu quả và nhu cầu từ phương Tây mạnh mẽ đối với hàng sản xuất ở Trung Quốc – đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2022.

Biến thể Omicron lây lan nhanh của virus và các nhánh của nó đã dập tắt tham vọng đó. Trong những tháng đầu năm 2022, thành phố Tây An bị phong tỏa sau một loạt ca bệnh, trong khi dịch bùng phát tại các cảng như Thiên Tân và Ninh Ba có tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu đang căng thẳng. Những công ty bao gồm Samsung, Volkswagen, những nhà cung cấp cho Nike và Adidas báo cáo các vấn đề về sản xuất.

Phong tỏa lan rộng từ tỉnh công nghiệp Cát Lâm ở phía đông bắc đến trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở phía nam. Thượng Hải – thủ đô thương mại của Trung Quốc với 25 triệu dân – bị phong tỏa vào tháng Tư và phải mất 2 tháng sau, các hạn chế mới được dỡ bỏ hoàn toàn.

Các trung tâm bán lẻ ở Trung Quốc vắng khách trong hầu hết năm ngoái.

Các trung tâm bán lẻ ở Trung Quốc vắng khách trong hầu hết năm ngoái.

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy những hậu quả kinh tế của sự gián đoạn. Doanh số bán lẻ – thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng – giảm 0,2% so với một năm trước đó sau khi tăng 12,5% năm 2021. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm xuống mức 3,6% do các nhà máy phải vật lộn với tình trạng đóng cửa và vấn đề về nguồn cung, từ mức 9,6% năm 2021. Đầu tư tài sản cố định tăng 5,1%, chỉ nhanh hơn một chút so với tốc độ 4,9% ghi nhận năm 2021, cho thấy chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng phải nỗ lực để bù đắp mức giảm 10% đầu tư của lĩnh vực bất động sản suy yếu.

Xuất khẩu tăng 10,5% so với một năm trước đó, mặc dù dữ liệu theo tháng gần đây nhất cho thấy sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc đang mất đà khi người tiêu dùng ở Mỹ và Châu Âu giảm chi tiêu dưới áp lực lạm phát cao và lãi suất tăng.

Thước đo hàng đầu về tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc – tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát ở thành thị – ở mức 5,5% vào cuối năm, giảm từ đỉnh 6,1% hồi tháng 4. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của vết sẹo kinh tế là thiệt hại đối với người lao động trẻ tuổi: Tỷ lệ thất nghiệp ở người từ 16 đến 24 tuổi là 16,7% vào tháng 12, sau khi đạt đỉnh gần 20% vào tháng 7.

Làn sóng Covid-19 hiện tại ở Trung Quốc được cho là sẽ làm chậm đà hồi phục trong 3 tháng đầu năm 2023.

Làn sóng Covid-19 hiện tại ở Trung Quốc được cho là sẽ làm chậm đà hồi phục trong 3 tháng đầu năm 2023.

Thông qua việc dỡ bỏ các hạn chế của Covid, chính phủ Trung Quốc hy vọng thúc đẩy sự phục hồi dựa trên tiêu dùng. Tuy nhiên, Sue Trinh – đồng trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Manulife Investment Management ở Singapore – dự báo người tiêu dùng Trung Quốc thận trọng trong những tháng tới, do bất ổn về việc làm và thu nhập. Sự thận trọng đó “có thể hạn chế mức độ của nhu cầu bị dồn nén so với những gì chúng ta đã thấy ở các nền kinh tế tiên tiến khi chuyển sang sống chung với Covid”, bà nói.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán 3 tháng đầu năm 2023 sẽ khó khăn, với tăng trưởng trở lại trong quý hai sau khi làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất đã qua đi.

Tuy nhiên, Robin Xing – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley Hong Kong – nghĩ rằng sự phục hồi có thể bắt đầu sớm hơn, dựa trên dữ liệu bao gồm lượng hành khách đi tàu điện ngầm và tắc nghẽn giao thông ở 98 trong số 100 thành phố hàng đầu của Trung Quốc.

Ngân hàng đầu tư này kỳ vọng Trung Quốc tăng trưởng 5,7% trong năm 2023, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng khi các hộ gia đình Trung Quốc thoát khỏi đại dịch với khoản tiết kiệm lành mạnh và triển vọng việc làm được cải thiện. “Bản thân việc mở cửa trở lại tương đương với một gói kích thích lớn”, ông nói.

Hiện tại, một số địa phương đặt ra các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước, 29 trong số 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ít nhất 5% cho năm 2023. 12 tỉnh dự kiến mở rộng nền kinh tế khoảng 6%.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng với kinh tế Mỹ và châu Âu chậm lại, thậm chí có thể rơi vào suy thoái trong năm nay, sức mạnh tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là mấu chốt cho nền kinh tế toàn cầu. Ông Xing cho biết Trung Quốc có thể chiếm khoảng 40% tăng trưởng toàn cầu năm 2023.

Các nhà kinh tế cũng chỉ ra một tác dụng phụ là nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể làm chậm đà giảm của lạm phát trên toàn thế giới. Điều này có thể trì hoãn thời điểm các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.