VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát toàn cầu trong dài hạn vẫn cao

Lạm phát toàn cầu trong dài hạn vẫn cao

10:10 - 19/12/2022

Lạm phát cơ bản – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng – vẫn đang tăng ở đa số các nền kinh tế phát triển lớn, cho thấy các ngân hàng trung ương vẫn cần tăng lãi suất hơn nữa.

Áp lực lạm phát cơ bản vẫn đang gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển lớn mặc dù lạm phát toàn phần giảm gần đây, cho thấy các ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách trong những tháng tới.

Lạm phát cơ bản – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, được các nhà hoạch định chính sách coi là thước đo tốt hơn về áp lực giá cả trong dài hạn – đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới theo một thống kê của Financial Times. Lạm phát cơ bản vẫn tăng trong tháng 11 ở phần lớn trong số 33 quốc gia được theo dõi và duy trì trên mức 2% mà hầu hết các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu.

Tỷ lệ các nước có lạm phát cơ bản tăng bắt đầu giảm trong những tháng gần đây, nhưng vẫn lớn hơn nhiều so với lạm phát toàn phần. Chỉ 1/3 các nước ghi nhận lạm phát toàn phần tăng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11.

“Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước”, theo Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown. “Giá cao kéo dài tiếp tục gây đau đầu cho các nền kinh tế”.

Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách ở Fed tăng dự báo lạm phát cơ bản cho năm 2023.

Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách ở Fed tăng dự báo lạm phát cơ bản cho năm 2023.

Lạm phát dịch vụ – một thước đo khác về mức độ dai dẳng của áp lực giá cả, vẫn ở gần mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở một số nền kinh tế lớn – bao gồm Anh, khu vực đồng euro và Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay để đối phó với sự gia tăng của lạm phát toàn phần, nhưng gần đây bắt đầu giảm quy mô bước tăng lãi suất. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều thay đổi chiến lược chống lạm phát từ việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm. Động thái này có vẻ như là phản ứng với việc lạm phát toàn phần đạt đỉnh.

Christine Lagarde, chủ tịch ECB, cho biết việc thắt chặt tiền tệ trong khu vực đồng euro “vẫn còn một chặng đường dài”, và họ có kế hoạch tiếp tục tăng chi phí đi vay ở mức 0,5 điểm phần trăm trong những tháng tới. Bà Lagarde cũng thừa nhận rằng áp lực giá cơ bản đã tăng lên và sẽ “kéo dài trong một thời gian” – một thông điệp được lặp lại bởi chủ tịch Fed Jerome Powell và thống đốc BoE Andrew Bailey.

Sự gia tăng lạm phát ban đầu được thúc đẩy bởi giá hàng hóa và năng lượng tăng vọt – hậu quả của những gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng trong đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine. Tuy nhiên, lạm phát sau đó lan rộng ra những lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Tăng trưởng tiền lương – vừa phải ở hầu hết các nền kinh tế lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – cũng đã mạnh lên, đặc biệt ở Mỹ.

Với giá hàng hóa hiện đang ổn định, lạm phát toàn phần đã giảm mạnh ở một số nền kinh tế, bao gồm Mỹ, Anh và khu vực đồng euro. Nhưng các thước đo áp lực giá dài hạn không giảm theo, như lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại là 5% trong khu vực đồng euro.

Silvia Ardagna – nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Ngân hàng Barclays – cho biết rằng các nhà hoạch định chính sách tại ECB “lo lắng rằng chúng ta không thấy bất kỳ động lực lạm phát cơ bản nào giảm bớt”.

Tại Mỹ, lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm, mặc dù lạm phát toàn phần đã giảm 2 điểm phần trăm kể từ mùa hè. Ben May, giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics, cho biết: “Lạm phát dịch vụ rất quan trọng trong việc xác định lộ trình cho lãi suất chính sách”. Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách tại Fed thừa nhận lạm phát cơ bản sẽ dai dẳng hơn dự báo trước đó, điều chỉnh lại ước tính của họ cho năm 2023 lên 3,5%, từ mức 3,1% dự báo hồi tháng 9.

Lạm phát dịch vụ của Anh tiếp tục tăng, duy trì ở mức cao nhất trong 20 năm vào tháng 11, mặc dù lạm phát toàn phần đã giảm xuống 10,7% từ 11,1% trong tháng 10. BoE cho biết sự dai dẳng của lạm phát dịch vụ “là lý do cho phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa”.

“Các ngân hàng trung ương tại các thị trường phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm”, theo Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics.