VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Lạm phát ở châu Âu cao kỷ lục

Lạm phát ở châu Âu cao kỷ lục

23:41 - 30/11/2021

Cơ quan Thống kê châu Âu ngày 30/11 công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 11 này do giá năng lượng tăng mạnh.

Cũng giống như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – một thước đo của lạm phát, trong khu vực đồng tiền chung châu Âu trong nhiều tháng gần đây đã tăng nhanh hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách. Theo Eurostat, CPI khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 11 đã tăng lên 4,9% so với mức 4,1% ghi nhận trong tháng trước. CPI tháng 11 cũng cao hơn 2 lần so với mục tiêu 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

Tỷ lệ lạm phát của Eurozone tăng cao nhất trong 24 năm qua  

Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi cơ quan thống kê này bắt đầu thu thập dữ liệu trong 24 năm qua. Trong vòng hơn 20 năm, tỷ lệ lạm phát chỉ vượt 4% duy nhất trong 2 tháng, đó là vào tháng 7/2008 và tháng 10 năm nay.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2021, một nhà kinh tế học người Đức là thành viên ban lãnh đạo của ECB từng dự đoán lạm phát sẽ tăng lên mốc cao nhất trong tháng 11 này kể từ khi ECB phát hành đồng euro vào năm 1999. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhận định đà tăng trên có thể sẽ chậm lại trong năm tới.

Nhiều chuyên gia kinh tế tại các tổ chức tư nhân như UBS, Morgan Stanley, BNP Paribas và Oxford Economics cũng dự báo rằng lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm từ đầu năm sau và việc giá cả tăng sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Đây cũng là quan điểm mà ECB đang duy trì ở thời điểm hiện tại.

Quan điểm chính sách mới nhất từ châu Âu phản ánh rằng lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm trong năm 2022 và sẽ xuống dưới ngưỡng mục tiêu 2% trong năm 2023. Việc suy giảm này sẽ khởi đầu với việc mức tăng của giá cả chững lại trong tháng 1/2021. Do vậy ECB nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ biện pháp nào nhằm ngăn lạm phát tăng nóng ngoại trừ việc mua trái phiếu nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt vào tháng 3/2022.

Trước đó vào cuối tháng 10, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde cho biết giá năng lượng tăng cao cùng với sự phục hồi sau tắc nghẽn cung – cầu đang đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên với việc các tổ chức kinh tế cho rằng lạm phát như vậy đã lập đỉnh, giới đầu tư và doanh nghiệp không nên kỳ vọng ECB nâng lãi suất chủ chốt trong năm sau.