VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát nửa đầu năm thấp nhất 6 năm

Lạm phát nửa đầu năm thấp nhất 6 năm

10:56 - 01/07/2021

CPI 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47%, mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê.

Lạm phát cơ bản – không bao gồm lương thực và nhiên liệu – trong tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn CPI bình quân chung, phản ánh biến động CPI chủ yếu do giá lương thực và xăng dầu tăng. Lạm phát cơ bản tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái đều ở mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Giá thực phẩm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, là một trong những yếu tố kìm hãm lạm phát.

Giá thực phẩm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, là một trong những yếu tố kìm hãm lạm phát.

Nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra thì việc kiểm soát lạm phát trong năm 2021 dưới mức 4% là hoàn toàn khả thi”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.

Bà Hương cũng chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2021 như: giá xăng trong nước tăng 4.440 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.250 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 3.740 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17,01%, làm cho CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá gas bán lẻ trong nước bình quân tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục, giá gạo và giá vật liệu bảo dưỡng nhà cũng đóng góp vào mức tăng CPI trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân làm CPI 6 tháng đầu năm 2021 giảm như: giá thực phẩm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước khiến CPI giảm 0,08 điểm phần trăm; trong đó giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04%.

Mặt khác, giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm 2021 giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2020, khiến CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm. Lý do được cho là nhờ các gói hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến người dân hạn chế đi lại. Theo đó, giá vé tàu hỏa 6 tháng đầu năm giảm 3,41% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 17,05%; giá tour trọn gói giảm 2,85%.

Ngoài các thông tin về lạm phát, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 6/2021, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới.

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất sớm hơn vào năm 2023 thay vì năm 2024, giá vàng thế giới đã giảm. Tính đến ngày 25/6/2021, giá vàng thế giới bình quân ở mức 1.845,63 USD/ounce, giảm 0,67% so với tháng 5/2021.

Tuy nhiên, trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2021 tăng 1,12% so với tháng trước; tăng 0,23% so với tháng 12/2020 và tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 18,06%.

Trong khi đó, chỉ số giá USD giảm 0,3%. Nhưng trên thị trường thế giới, đồng USD tiếp tục phục hồi sau khi Fed phát đi tín hiệu sẽ sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng. Tính đến ngày 25/6/2021, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt 90,81 điểm, tăng 0,58 điểm so với tháng trước.