VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lạm phát ở Tokyo cao nhất kể từ 1982

Lạm phát ở Tokyo cao nhất kể từ 1982

10:12 - 10/01/2023

Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản ở Tokyo tăng 4,0% trong tháng 12, vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 7 liên tiếp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ở Tokyo tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 12, mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm. Đây là dấu hiệu mới về áp lực lạm phát ngày càng cao gây tổn hại cho các hộ gia đình và có thể buộc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) phải thắt chặt chính sách.

Không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá cả tiêu dùng ở thủ đô Nhật Bản tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/1982, ở tốc độ 4,2%. Được xem là một chỉ báo về lạm phát trên toàn quốc, chỉ số này cao hơn mục tiêu 2% của BOJ trong tháng thứ 7 liên tiếp.

CPI cơ bản ở thủ đô được xem là chỉ báo cho lạm phát trên toàn quốc.

CPI cơ bản ở thủ đô được xem là chỉ báo cho lạm phát trên toàn quốc.

Trong năm 2022, lạm phát tiêu dùng cơ bản tăng 2,2% so với một năm trước đó, lần đầu tiên vượt ngưỡng 2% kể từ năm 2014. Loại bỏ tác động thúc đẩy giá của các lần tăng thuế tiêu dùng trước đây, đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992.

Ngày càng có nhiều công ty chuyển chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn đến tay người tiêu dùng trong những tháng gần đây, với CPI cơ bản của Tokyo tăng trong tháng thứ 16 liên tiếp.

Ban đầu, Nhật Bản coi chi phí nhiên liệu cao hơn là lý do khiến chính phủ trợ cấp cho các nhà bán buôn dầu mỏ để giảm giá nhiên liệu. Kể từ đó, tình trạng lạm phát đã lan sang các mặt hàng khác, đặc biệt là thực phẩm, giáng một đòn mạnh vào người tiêu dùng vào thời điểm mà tăng trưởng tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá cả.

Trong tháng 12, giá thực phẩm không phải đồ dễ hỏng tăng 7,5% so với một năm trước đó. Chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao, với giá gas trong thành phố tăng 36,9% và điện tăng 26,0%.

Tăng trưởng tiền lương chậm chạp là lý do chính khiến BOJ kiên trì với chính sách lãi suất cực thấp của mình, vì họ coi mức lương cao hơn là rất quan trọng đối với nền kinh tế để chống lại áp lực lạm phát.

BOJ đang xem xét nâng triển vọng lạm phát cho năm tài chính 2023 và 2024, theo các nguồn tin quen thuộc với vấn đề.

Thị trường đang đồn đoán rằng ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi đưa ra quyết định bất ngờ vào tháng trước về việc mở rộng biên độ giao dịch cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Bước đi này có tác dụng tương tự như một đợt tăng lãi suất.