VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Lo lắng vì phục hồi kinh tế chậm, Trung Quốc giảm lãi suất điều hành

Lo lắng vì phục hồi kinh tế chậm, Trung Quốc giảm lãi suất điều hành

16:08 - 14/06/2023

Các nhà kinh tế cho rằng lãi suất thấp hơn có thể không giúp ích nhiều vì nhu cầu vay thấp của người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc bất ngờ giảm hai lãi suất điều hành chủ chốt, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh ngày càng lo lắng về sự phục hồi kinh tế chậm chạp.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng lãi suất thấp hơn có thể không giúp ích gì nhiều, vì người dân và doanh nghiệp có vẻ không có nhu cầu vay trong bối cảnh mức nợ vốn đã cao và triển vọng tăng trưởng giảm sút.

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ trái ngược với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác, những ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát.

Sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc chịu áp lực lớn vì kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

Sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc chịu áp lực lớn vì kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

Ngày 13/6, PBOC thông báo giảm lãi suất đối với hoạt động repo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống 1,9% từ 2,0% trước đó – lần cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đầu tiên kể từ tháng 8. Ngân hàng cũng cho biết đã bơm 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 280 triệu USD) vào hệ thống ngân hàng ở mức lãi suất mới. Repo và repo ngược là những công cụ quan trọng được các ngân hàng trung ương sử dụng để quản lý nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại và tác động đến lãi suất đối với những khoản vay dành cho người dân và doanh nghiệp.

Sau đó cùng ngày, PBOC thông báo giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm của một chương trình cho vay dành cho các ngân hàng thương mại.

Các động thái này có nghĩa là những lãi suất chủ chốt khác có thể sẽ sớm giảm xuống trong vài ngày tới, vì PBOC thường thay đổi các lãi suất điều hành một cách đồng bộ.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy chính sách tiền tệ đang chuyển sang nới lỏng, một số ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc hạ lãi suất tiền gửi vào tuần trước, giúp họ có thêm dư địa để hạ lãi suất cho vay mà không làm giảm lợi nhuận.

Các nhà kinh tế nói rằng việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc cho thấy các quan chức chính phủ và ngân hàng trung ương ngày càng lo ngại rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đuối dần.

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng tháng 5 so với cùng kỳ năm trước là 11,4%, giảm từ 11,8% tháng trước, chủ yếu vì tín dụng cho khối doanh nghiệp thấp. “Điều này đáng lo ngại vì tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ báo dẫn dắt đáng tin cậy nhất về chu kỳ kinh tế của Trung Quốc”, theo Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế tại Capital Economics. “Nếu tình trạng tín dụng chậm lại không được ngăn chặn sớm, nó có nguy cơ làm hỏng quá trình phục hồi tái mở cửa”.

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt trong quý I sau khi Bắc Kinh từ bỏ chiến lược kiểm soát Covid-19 hà khắc vào cuối năm ngoái. Nhưng kể từ đó, đợt phục hồi đã mất đà khi sản xuất và xuất khẩu chịu áp lực từ triển vọng kém của kinh tế toàn cầu và người tiêu dùng trong nước ít tăng chi tiêu để lấp đầy khoảng trống. Tuần trước, dữ liệu lạm phát cho thấy Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát (lạm phát âm), một dấu hiệu của chi tiêu yếu. Ngày 15/6, dự kiến sẽ có một loạt dữ liệu về doanh số bán lẻ, đầu tư và sản xuất công nghiệp tháng 5.

Trong một bài phát biểu vào tuần trước, thống đốc PBOC Yi Gang báo hiệu rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù ông tự tin rằng tăng trưởng năm nay có thể đạt mục tiêu của chính phủ là khoảng 5%.

Các nhà kinh tế nói rằng việc giảm chi phí vay có thể không giúp ích gì nhiều cho phục hồi kinh tế. Tăng trưởng thu nhập yếu trong đại dịch khiến các hộ gia đình cảnh giác trong chi tiêu và vay mới. Niềm tin của người tiêu dùng mong manh và đầu tư của khu vực tư nhân hầu như không tăng trong quý đầu năm.

Việc giảm lãi suất sẽ không giúp ích nhiều nếu nhu cầu vay thấp, theo Louise Loo – nhà kinh tế về Trung Quốc tại Oxford Economics.

Các nhà kinh tế nói rằng Trung Quốc cần sử dụng những công cụ chính sách cụ thể hơn để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp. Những biện pháp đó có thể bao gồm giảm thuế hoặc trợ cấp mua những hàng hóa lớn như ô tô, cũng như các chính sách nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang đóng băng và hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.