VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng kỷ lục trong quý 1

Lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng kỷ lục trong quý 1

14:40 - 07/05/2021

Lợi nhuận các ngành thép, tài chính và ngân hàng tăng ấn tượng trong quý đầu 2021.

Tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán (HoSE, HNX, UpCom) tăng mạnh 80,7% trong quý 1 so với cùng kỳ, theo ước tính của VNDirect.

Tính tới ngày 5/5/2021, 557 công ty niêm yết, tương đương với 79% vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021.

So với thời điểm trước dịch quý 1/2019, lợi nhuận trong quý 1/2021 của các doanh nghiệp niêm yết tăng tới 49%.

Các doanh nghiệp thép hưởng lợi từ sản lượng và giá bán tăng. Lợi nhuận của ngành này tăng 263,1% so với quý 1/2020. Với các doanh nghiệp dịch vụ tài chính, lợi nhuận trong quý 1 tăng 16 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng tăng mạnh 80,6% so với quý đầu năm ngoái.

Các ngành hóa chất, khai khoáng và dầu khí cũng tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ đợt tăng giá hàng hóa trên toàn cầu. Trong khi đó, nhóm ngành thực phẩm ghi nhận tác động trái chiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và đường hưởng lợi, trong khi các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và thịt đối mặt với áp lực do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Trong quý 1/2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp thực phẩm chỉ tăng 12,0% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành tiếp tục sụt giảm do tác động tiêu cực từ COVID-19. Lợi nhuận ngành vận tải giảm 14,3%, công nghiệp giảm 6,8% và dịch vụ tiện ích giảm 0,6%.

Các nhóm doanh nghiệp thuộc các mức vốn hóa khác nhau đều tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ tăng mạnh nhất, đạt 140,3%. Các doanh nghiệp vốn hóa vừa và lớn lần lượt đạt các mức tăng trưởng 83,9% và 79,2%. Các doanh nghiệp trong nhóm VN30 tăng trưởng 62,0%.

Trong số các doanh nghiệp VN30, 22 công ty ghi nhận tăng trưởng dương, dẫn đầu là SSI (44 lần so với cùng kỳ), VIC (+377%) và HPG (+205%). Các cổ phiếu tăng trưởng âm bao gồm VHM (-21%), GAS (-13%) và VNM (-7%).

Nhờ những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, chi phí lãi vay bình quân của các doanh nghiệp giảm còn 5,3%, so với 5,9% trong quý 4/2020 và 5,7% trong quý 1/2020. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng sử dụng thêm đòn bẩy tài chính. Chỉ số D/E (nợ trên vốn chủ sở hữu) giảm xuống còn 0,63 trong quý 1/2021.