VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Lưu thông rau quả trong nước gặp khó, hàng Trung Quốc hưởng lợi

Lưu thông rau quả trong nước gặp khó, hàng Trung Quốc hưởng lợi

11:17 - 21/09/2021

Khi nhiều mặt hàng nông sản, nhất là rau quả trong nước, gặp khó trong lưu thông; rau quả từ Trung Quốc vẫn được nhập vào Việt Nam với số lượng lớn, lấn át hàng nội địa.

Tại chợ đầu mối Mê Linh (Hà Nội) – chuyên cung cấp rau củ quả cho thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các sản phẩm củ cải trắng, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cải thảo, cà chua được bày bán rất nhiều, theo ghi nhận của báo Thanh Niên. Nhưng các thương lái thừa nhận đây là hàng nhập từ Trung Quốc. Trong khi các loại rau trong nước lúc này chủ yếu là rau ăn lá như cải chip, cải ngồng, bí, đậu xanh.

Rau quả Trung Quốc đang áp đảo ở các chợ miền Bắc.

Rau quả Trung Quốc đang áp đảo ở các chợ miền Bắc.

Rau quả Trung Quốc tràn ngập thị trường khiến giá mặt hàng cùng loại trong nước giảm mạnh. Theo ông Đàm Văn Đua, Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đống Cao – vựa trồng rau lớn nhất huyện Mỹ Linh, thời điểm này năm ngoái củ cải có giá 8.000 – 10.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 13.000 đồng/kg. Nhưng với việc củ cải Trung Quốc tràn ngập chợ, giá củ cải trong nước hiện chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hồng, một tiểu thương tại chợ Mê Linh cũng cho biết, mọi năm ở miền Bắc, khi mùa hè đến, mưa bão khiến lượng rau sản xuất trong nước giảm mạnh. Vì vậy, từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, thị trường có thêm nhiều loại rau Trung Quốc nhưng tỷ lệ không áp đảo như năm nay.

Ngoài ra, một lượng lớn rau, củ từ Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam thường được vận chuyển ra rất nhiều để bù đắp cho sự thiếu hụt tại miền Bắc. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19 kéo dài, các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội khiến nguồn cung rau ra miền Bắc không nhiều. Nhiều thương lái đứt nguồn hàng nên chuyển sang nhập hàng từ Trung Quốc. “Rau củ Trung Quốc hiện giờ chiếm tới khoảng 70% trong các quầy hàng, chỉ có 30% là hàng nội địa”, ông Hồng nói.

Thống kê tại Cửa khẩu đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) cho thấy, ngày 14/9, có hơn 350 xe tải chở rau, củ của Trung Quốc vào Việt Nam, với tổng khối lượng khoảng 3.200 tấn. Ở chiều ngược lại, tổng lượng rau Việt Nam xuất sang Trung Quốc chưa đến 200 tấn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc nhập khẩu số lượng lớn rau quả từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước rất lớn. Trong khi đó, sản xuất nội địa, nhất là ở các tỉnh phía Nam, đang gặp khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ nên có nơi rau bị ùn ứ, bỏ thối trên đồng.

Các quy định về kiểm soát và phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng rau từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nhiều chợ đầu mối ở TP HCM ngừng hoạt động, nguồn cung trung chuyển từ nam ra bắc bị chia cắt, tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Theo ông Nguyên, do giá rau giảm mạnh trong nhiều tháng, rau trồng đến kỳ thu hoạch không bán được khiến nông dân không còn mặn mà với việc tái canh tác. Đây sẽ là nguy cơ lớn dẫn đến tình trạng khan hiếm rau trong những tháng cuối năm nay ở miền Trung và miền Bắc.

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản tháng 8 giảm rất mạnh, tới 19,2% so với tháng 7 và 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhập khẩu rau quả lại tăng 16,4% trong 8 tháng qua và Bộ đã đưa rau vào danh sách “nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu”.

Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang bị làm khó.

Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang bị làm khó.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, “hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam (Trung Quốc) qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày”. Nhưng ở chiều ngược lại, từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam không xuất được sang Trung Quốc qua các cửa khẩu giáp ranh với tỉnh Vân Nam.

Trong khoảng 2 tháng gần đây, nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam liên tục gặp khó trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Ví dụ mới nhất là thanh long. Từ ngày 15/9, chính quyền Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cầu phao tạm Đông Hưng cho đến ngày 21/9. Nguyên nhân được đưa ra là phía Trung Quốc phát hiện virus corona trên bao bì. Điều này khiến thủ phủ thanh long Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do đang vào chính vụ, số lượng thu hoạch tháng 8-9 ước đạt 65.000 tấn.

Trước đó, vào tháng 7, thanh long của Việt Nam cũng bị tỉnh Vân Nam thông báo ngừng nhập khẩu qua một số cửa khẩu. Sau thanh long, khoai lang đang ở giữa vụ cũng chịu áp lực lớn, với thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Trung Quốc. Ước tính, sản lượng khoai lang tím cần hỗ trợ tiêu thụ trên 300 tấn/ngày.