VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Masan công bố chiến lược bán hàng ra thế giới

Masan công bố chiến lược bán hàng ra thế giới

06:53 - 25/04/2023

Tập đoàn cũng cho biết đang xem xét phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế tối đa 500 triệu USD và trì hoãn việc niêm yết ở nước ngoài của The CrownX.

Masan công bố chiến lược “Go Global” nhằm đưa các thương hiệu của mình ra thế giới, tập đoàn cho biết trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 24/4. Ngoài ra, Masan cũng thông báo đang xem xét phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và trì hoãn việc niêm yết ở nước ngoài của đơn vị bán lẻ The CrownX.

The CrownX là công ty con của Masan nắm giữ trực tiếp đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings và WinCommerce – đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng tiện lợi Winmart+. Đây là 2 mảng kinh doanh có doanh thu lớn nhất của Masan.

Masan cho biết sẽ đẩy mạnh bán các sản phẩm như gia vị Chin-su ở nước ngoài.

Masan cho biết sẽ đẩy mạnh bán các sản phẩm như gia vị Chin-su ở nước ngoài.

Ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc The CrownX – cho biết Masan Consumer Holdings đặt mục tiêu doanh thu 80.000-100.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2027. Trong đó, 15% đến từ thị trường nước ngoài.

“Các sản phẩm về đồ uống và hoá mỹ phẩm rất khó có thể đưa ra thế giới nhưng các sản phẩm của Chin-su, Omachi, Vinacafe sẽ được đẩy mạnh đưa ra thị trường nước ngoài”, ông Thắng nói.

Gần đây, trong một nỗ lực phát triển ở thị trường nước ngoài, Masan đã ra mắt bộ sản phẩm gia vị Chin-su tại Nhật Bản. Masan cũng cho biết đã bán một số sản phẩm ra thế giới trong vài năm gần đây theo các hợp đồng xuất khẩu, đạt doanh thu hàng nghìn tỷ và tỷ suất lợi nhuận cao.

Giá trị bán hàng ở nước ngoài tương đối cao. Ví dụ, nước mắm Chin–su từng được bán trên Amazon với giá tới 10 USD và từ đó có thể thâm nhập vào các nền tảng bán hàng khác để đưa thương hiệu ra nước ngoài.

Không chỉ “ngồi ở Việt Nam” để xuất khẩu sản phẩm, lãnh đạo Masan khẳng định sẽ xây dựng hệ thống ở nước ngoài.

Trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội, Tổng giám đốc Danny Le cho biết đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của The CrownX sẽ bị lùi lại đến năm 2024 hoặc 2025 do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Năm ngoái, Masan cho biết đang xem xét niêm yết The CrownX tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Hong Kong, Singapore hoặc Việt Nam trong vòng 18-24 tháng.

Được thành lập từ giữa năm 2020, The CrownX đã thu hút sự chú ý rất lớn của nhà đầu tư quốc tế, thể hiện qua việc huy động được hơn 1,5 tỷ USD. Cuối năm 2021, công ty này gọi vốn 350 triệu USD từ Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và Temasek – cơ quan đầu tư của chính phủ Singapore. Vòng gọi vốn này đưa định giá của The CrownX lên mức 8,2 tỷ USD.

Masan thông báo lùi thời điểm IPO đơn vị bán lẻ The CrownX do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Masan thông báo lùi thời điểm IPO đơn vị bán lẻ The CrownX do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Trong cuộc họp ngày 24/4, Masan cũng cho biết đang tìm cách huy động vốn từ việc bán trái phiếu quốc tế để tài trợ cho các hoạt động đầu tư, bổ sung vốn lưu động và tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài của tập đoàn. Trái phiếu sẽ được phát hành trong năm nay hoặc năm 2024, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore với thời hạn 5 năm, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền.

Tháng trước, Masan công bố nhận giải ngân 375 triệu USD – đợt đầu của khoản vay hợp vốn trị giá 650 triệu USD được cung cấp bởi một liên minh các ngân hàng quốc tế.

Năm nay, Masan đặt mục tiêu đạt doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng 18-31% so với kết quả của năm ngoái. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 4.000-5.000 tỷ đồng, so với năm ngoái đạt 4.754 tỷ đồng. Masan nhận định thị trường bán lẻ gặp khó khăn trong năm nay khi nhu cầu giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu.

Tập đoàn sẽ mở rộng danh mục thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là thịt chế biến và tăng cường phân phối thông qua WinCommerce. Đơn vị này dự kiến đóng góp 36.000-40.500 tỷ đồng, tăng 23-38% so với cùng kỳ. Động lực chính đến từ việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu của mỗi cửa hàng.

Masan Consumer Holdings dự kiến mang về 30.500-33.500 tỷ đồng, tăng 15-30% nhờ tập trung vào nỗ lực R&D (nghiên cứu và phát triển). Đơn vị này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tung ra 12 thương hiệu mới với doanh số 50.000 tỷ đồng.

Phúc Long sẽ mang về 2.500-3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc 58-90% so với năm 2022 nhờ khai trương thành công 75-90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu suất các cửa hàng mới tương đương những cửa hàng hiện tại.

Masan MeatLife dự kiến đóng góp 8.500-9.000 tỷ đồng bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm thịt lợn và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến và tăng cường phân phối thông qua WinCommerce.

Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu doanh thu thuần 16.500-18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% nhờ tập trung vào tối ưu hóa chi phí, tích hợp với Nyobolt và chuẩn bị tái chế phế liệu vonfram và khối đen.

Cổ đông Masan cũng bầu bà Chae Rhan Chun – giám đốc Việt Nam của SK Supex Council và giám đốc tại Maroon Bells – thay thế cho ông Ji Han Yoo làm thành viên HĐQT.