VNReport»Kinh tế»Tài chính»Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của FE Credit, đổi triển vọng sang tiêu cực

Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của FE Credit, đổi triển vọng sang tiêu cực

11:34 - 24/04/2023

Theo Moody’s, FE Credit bị hạ xếp hạng tín nhiệm vì khả năng thanh toán kém đi do chất lượng tài sản yếu và rủi ro thanh khoản bắt nguồn từ chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả.

Ngày 21/4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s tuyên bố hạ bậc xếp hạng của FE Credit xuống B1 từ Ba3 và thay đổi triển vọng từ ổn định thành tiêu cực.

Việc hạ bậc xếp hạng của FE Credit phản ánh khả năng thanh toán kém đi do chất lượng tài sản yếu và rủi ro thanh khoản bắt nguồn từ sự chênh lệch kỳ hạn đáng kể giữa tài sản và nợ phải trả, trong bối cảnh điều kiện huy động vốn thắt chặt ở Việt Nam.

Những điểm yếu này phần nào được bù đắp bởi cam kết tài trợ từ các cổ đông chính của công ty. Moody’s cho rằng khả năng FE Credit nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng mẹ – bao gồm VPBank và SMFG – là rất cao.

Sự hỗ trợ từ 2 ngân hàng mẹ giúp giảm thiểu một phần rủi ro thanh toán và thanh khoản của FE Credit.

Sự hỗ trợ từ 2 ngân hàng mẹ giúp giảm thiểu một phần rủi ro thanh toán và thanh khoản của FE Credit.

Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit tăng lên 22% vào cuối năm 2022 từ mức 14% một năm trước đó, do tỷ lệ nợ quá hạn các khoản vay tài chính tiêu dùng cao hơn và dư nợ cho vay giảm 9% trong năm 2022. Chất lượng tài sản suy giảm phản ánh hồ sơ rủi ro cao vốn có của khách hàng vay tài chính tiêu dùng – thường là khách hàng bán lẻ có thu nhập thấp – và tiêu chuẩn cho vay thấp của công ty.

FE Credit có thể cải thiện chất lượng tài sản bằng chiến lược giảm rủi ro thông qua thắt chặt các tiêu chí cho vay và chuyển cơ cấu tín dụng sang các khách hàng tiềm năng ít rủi ro hơn. Nhưng chiến lược này có rủi ro trong quá trình thực thi và sẽ mất thời gian để hiện thực hóa. Vì vậy, rủi ro tài sản của FE Credit được Moody’s đánh giá vẫn ở mức cao trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

Năm 2022, FE Credit báo lỗ với tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) giảm xuống âm 3,1% từ mức 0,4% trong năm 2021 do lỗ tín dụng cao hơn. Do đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản giảm xuống 17% vào cuối năm 2022 từ mức 20% một năm trước do khoản lỗ làm xói mòn cơ sở vốn. Moody’s kỳ vọng chi phí tín dụng của FE Credit tiếp tục cao và ảnh hưởng đến khả năng sinh lời cũng như vốn của công ty trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

Công ty cũng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản trong điều kiện huy động vốn thắt chặt. Tài sản và nợ phải trả của FE Credit có sự chênh lệch kỳ hạn đáng kể và công ty dựa vào việc tái đầu tư hoặc tái cấp vốn nguồn vốn bán buôn để trả các khoản nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, một số rủi ro này được bù đắp bởi sự hỗ trợ vốn liên tục từ các ngân hàng mẹ.

Trong quyết định thay đổi triển vọng của FE Credit từ ổn định thành tiêu cực, Moody’s cho biết lý do là sự không chắc chắn về khả năng cải thiện chất lượng tài sản và lợi nhuận của công ty. Chiến lược giảm rủi ro và phân bổ lại danh mục tín dụng có rủi ro thực hiện đáng kể. Lỗ tín dụng và chi phí vốn tăng cao cũng đặt ra những thách thức.

Với triển vọng tiêu cực, Moody’s cho biết khó có khả năng sẽ nâng xếp hạng B1 của FE Credit. Triển vọng có thể được thay đổi trở lại ổn định nếu chất lượng tài sản của FE Credit cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu bằng với mức trước đại dịch, ROA cải thiện lên khoảng 2% một cách bền vững, và sự chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả giảm đáng kể.

Moody’s có thể hạ hơn nữa xếp hạng của FE Credit nếu cho rằng khả năng nhận được sự hỗ trợ từ VPBank và/hoặc SMFG giảm đi. Moody’s cũng sẽ hạ xếp hạng của FE Credit nếu chất lượng tài sản và khả năng sinh lời tiếp tục xấu đi.

Trước khi hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của FE Credit, Moody’s cũng thông báo giữ nguyên xếp hạng của VPBank, với triển vọng được thay đổi từ tích cực sang ổn định. Mặc dù đánh giá cao thương vụ VPBank bán cổ phần cho SMBC, nhưng Moody’s bày tỏ lo ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng.