VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thế Giới Di Động tái cấu trúc Bách Hóa Xanh

Thế Giới Di Động tái cấu trúc Bách Hóa Xanh

23:02 - 23/04/2022

Tập đoàn cũng thừa nhận cần phải cải thiện chất lượng phục vụ của chuỗi cửa hàng thực phẩm này.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) sắp tiến hành tái cấu trúc để đưa Bách Hóa Xanh (BHX) lên sàn chứng khoán. Đồng thời, công ty cho biết chất lượng dịch vụ của chuỗi cửa hàng thực phẩm này cần phải cải thiện, theo những trao đổi của ban lãnh đạo doanh nghiệp tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 23/4.

“Vì quá nhiều công ty con thì chỉ số chung của tập đoàn sẽ có nhiều hạn chế. Như các bạn biết, mỗi nhà đầu tư có mỗi khẩu vị khác nhau, có người thích điện máy của bạn nhưng không thích mảng bách hoá”, chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nói về lý do niêm yết cổ phiếu BHX.

Để hiện thực hóa tham vọng này, MWG dự kiến ​​chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang sở hữu ở BHX cho một công ty mới thành lập, giá trị là 12.795 tỷ đồng. Pháp nhân mang tên Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ và niêm yết trong thời gian tới. MWG có thể đầu tư vào các công ty khác hoạt động trong các ngành liên quan trong khi BGX tiếp tục tập trung vào lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Theo kế hoạch đã công bố trước đó, MWG dự kiến ​​chào bán riêng lẻ tối đa 20% vốn cổ phần của BHX trong giai đoạn 2022-2023 cho các đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới. Mục đích sử dụng vốn là đầu tư vào trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến và mở rộng chuỗi BHX ra toàn quốc. Ông Tài cũng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông rằng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới việc mua lượng lớn cổ phiếu BHX.

MWG dự kiến thành lập công ty mới để tiến tới đưa cổ phiếu Bách Hóa Xanh lên sàn.

MWG dự kiến thành lập công ty mới để tiến tới đưa cổ phiếu Bách Hóa Xanh lên sàn.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề chất lượng dịch vụ của BHX chưa bằng các chuỗi bán lẻ thành viên khác của MWG như Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh, lãnh đạo tập đoàn thừa nhận đây là điểm còn tồn tại và đang nỗ lực cải thiện dịch vụ. “Thực tế cũng cần nhấn mạnh, mô hình của các loại hình bán lẻ này khác nhau. Và dự kiến tháng 7-8 tới thì khách hàng sẽ thấy được sự thay đổi của BHX, cụ thể là tăng chất lượng phục vụ cũng như trải nghiệm khách hàng”, ông Tài cho biết.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, các cửa hàng BHX sẽ có những cải tiến về mặt bằng, sắp xếp hàng hóa và diện tích kho hàng phía sau. Những cải tiến này được kỳ vọng giúp nhân viên có không gian làm việc thoải mái hơn, từ đó nâng cao thái độ và năng suất làm việc.

MWG cũng cho biết đang có những thay đổi để tăng trải nghiệm của khách hàng khi vào cửa hàng. Lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng với mô hình “chợ mini” mà BHX đang theo đuổi, MWG xác định chỉ có 15 phút để thu hút khách hàng. “Và bài toán là làm sao để 15 phút đó khách hàng cảm thấy thoải mái nhất khi đã đi vào. Thực tế, đã có lúc khách hàng của chúng tôi cảm thấy rất thích khi đi vào Bách Hoá Xanh, nhưng 2 năm rồi thì không còn được như vậy nữa. Vấn đề này chúng tôi đã đề cập, do tình hình dịch bệnh nên công ty chú trọng việc có hàng dẫn đến nhiều bất tiện, làm sự thoả mãn của khách hàng giảm đi và kéo lùi lợi nhuận”, ông Tài chia sẻ.

Về chiến lược mở rộng các chuỗi bán lẻ thành viên, lãnh đạo MWG khẳng định doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng từng cửa hàng thay vì tăng số lượng cửa hàng hiện tại. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em – Tổng giám đốc MWG – doanh nghiệp sẽ dành phần lớn thời gian cho 2 chuỗi bán lẻ chính (chiếm 75% doanh thu hiện tại) là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

MWG cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang có dư địa lớn để phát triển.

MWG cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang có dư địa lớn để phát triển.

Với chuỗi nhà thuốc An Khang, ông Hiểu Em nói rằng sau nhiều lần điều chỉnh, nhà đầu tư sắp thấy chuỗi này tăng tốc để đạt mục tiêu top 3 về doanh số bán lẻ dược phẩm. Còn về chuỗi AVA, MWG có kế hoạch mở rộng, ví dụ như “từ con số 30 cửa hàng hiện nay lên 50 đơn vị” với chuỗi AVA Kids.

Trong mảng dược phẩm, lãnh đạo MWG cho biết đến cuối năm 2021, chuỗi An Khang có khoảng 178 cửa hàng. Kể từ khi mua lại 100%, tái cơ cấu toàn diện và nâng cao hiệu quả kinh doanh, doanh số tháng 3 đã tăng gấp đôi lên 650 triệu đồng/cửa hàng.

MWG nhận định dư địa bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam còn rất lớn, quy mô khoảng 7-8 tỷ USD, trong khi hiện có 60.000 cửa hàng thuốc truyền thống thì số lượng các cửa hàng theo chuỗi còn ít. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định rằng đến tháng 5, chuỗi An Khang sẽ hoàn tất việc rà soát, tái cấu trúc và ra mắt hình ảnh hoàn toàn mới.

Về sự trở lại của trang thương mại điện tử VuiVui, MWG cho biết vẫn còn hơi sớm để nói về dự án này. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định sàn thương mại điện tử này sẽ có hướng đi riêng, không định hình trở thành sàn mua bàn đơn thuần như các sàn thương mại điện tử hiện nay. MWG cho rằng các nền tảng thương mại điện tử còn nhiều bất cập như khách hàng chưa biết chất lượng sản phẩm, chỉ cầu may khi nhận hàng. Đây là điểm mà VuiVui sẽ hướng đến để cải thiện.